Lâm Đồng: Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư, 06/11/2024 09:49
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 976.334 ha với 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 142 đơn vị hành chính cấp xã và 1.376 thôn, tổ dân phố. Trong đó có 78 xã và 478 thôn, tổ dân phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Dân số toàn tỉnh Lâm Đồng là trên 1,3 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS gần 340 nghìn người, chiếm khoảng 23% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Lâm Đồng đã triển khai hiệu quả nhiều dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đơn vị được giao triển khai nguồn vốn Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp (Tiểu dự án 1, dự án 3) thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững - từ đầu năm 2024, tỉnh đã phân bổ hơn 15 tỷ đồng để hỗ trợ cho các huyện, thành trên toàn tỉnh trong việc triển khai các mô hình thâm canh cây lúa, cà phê, dâu tằm và chăn nuôi bò, heo, gà sinh sản, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho bà con nông dân.

Các địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao như: Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm nhận được nguồn hỗ trợ đáng kể, từ 1,3 đến 1,8 tỷ đồng mỗi huyện. Nguồn kinh phí này được cân đối và giải ngân kịp thời, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng và đúng mục đích.

Nhờ nguồn lực hỗ trợ thiết thực, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 44,94 triệu đồng (tăng 12,5% so với năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, hộ nghèo DTTS giảm từ 5,58% xuống còn 3,24%.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp (Tiểu dự án 1, dự án 3) thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Trước hết, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chính quyền và Mặt trận Tổ quốc được tăng cường. Việc điều tra, rà soát hộ nghèo cũng được thực hiện một cách công bằng, công khai, minh bạch; kết quả vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo được kiểm tra, theo dõi thường xuyên.

Nhìn chung, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào DTTS của tỉnh Lâm Đồng đã có những bước tiến quan trọng. Lâm Đồng đang từng bước hoàn thiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS, song hành với những khó khăn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và sự đồng lòng của người dân. Chính sách đúng đắn và linh hoạt sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Trồng ngô cho năng suất cao ở Lâm Đồng. (Ảnh: K.V) 

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, những năm qua, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và công tác vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng DTTS, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc và các địa phương trong tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng; chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân; từng bước gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường, tạo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của các địa phương vùng đồng bào DTTS.

Cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các cấp, các ngành của tỉnh đã lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, vùng đồng bào DTTS; phối hợp phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua như: “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cuộc vận động “Xây dựng nông mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Cùng với đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống công tác dân vận triển khai có hiệu quả các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với cách làm hay, ý tưởng sáng tạo trong đồng bào DTTS đã thực sự cho thấy vai trò là cầu nối ý Đảng - lòng dân của công tác dân vận, tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng../..

 

 

 

BC (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực