Lâm Đồng: Phát triển Kinh tế nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại

Thứ tư, 12/06/2024 15:59
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Lâm Đồng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, qua đó góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn…
Nông nghiệp trong nhà kính tại lâm Đồng. 

Theo định hướng phát triển đến năm 2030 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng, đến năm 2030 Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là khu vực kinh tế động lực của Tiểu vùng Nam Tây Nguyên trên cơ sở liên kết vùng, nội vùng.

Đồng thời, đến 2030 kinh tế nông nghiệp của Lâm Đồng được phát triển với hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Song song đó, đến 2030 Lâm Đồng cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao tầm quốc gia và quốc tế.

Hướng đến mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng tại Chương trình hành động số 48-CTr/TU, ngày 30/12/2022 thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị (khoá XIII) về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên đia bàn tỉnh Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng toàn diện, bền vững; lấy phát triển nông- lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Lâm Đồng cũng xác định sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao. Không gian phát triển kinh tế của tỉnh gắn với vùng Đông Nam bộ theo hành lang tuyến Quốc lộ 20 và tuyến cao tốc Dầu Giây- Liên Khương.

Sắp tới Lâm Đồng sẽ mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm tại các huyện Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm.

Để hoàn thành mục tiêu trên, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm lớn đầu tiên là xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương  (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời với đó, Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, có chỉ dẫn địa lý như: Rau, hoa, trà, cà phê, cây ăn quả (sầu riêng, bơ, măng cụt, chuối Bala, bưởi da xanh, chanh dây, hồng, điều…)…

Cùng với giải pháp trên, Lâm Đồng quan tâm mở rộng hợp tác, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nghiên cứu, chuyển giao, đầu tư, phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi; tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương như các loại dược liệu, hồng, dâu tây, hoa trang trí để phục vụ nhu cầu trong nước gắn với phát triển du lịch.

Cạnh đó, theo đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương sẽ huy động các nguồn lực đầu tư có chiều sâu, trọng điểm, hình thành các sản phẩm có lợi thế của tỉnh và có giá trị gia tăng cao như: cà phê, hoa, rau, dược liệu, sầu riêng, mắc ca, tơ tằm, sữa bò, cá nước lạnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; triển khai các giải pháp sản xuất chu trình khép kín, tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chế biến nông- lâm- thuỷ sản; quy hoạch lại theo hướng giảm diện tích nhà kính, nhà lưới gắn với phát triển nông nghiệp xanh, hài hoà, bền vững, thân thiện môi trường.

Lâm Đồng sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, có chỉ dẫn địa lý, trong đó có rau xanh.

Cũng trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thực hiện tốy chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển thêm ít nhất 25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 02 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; hình thành ít nhất 20 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiên thụ sản phẩm. Gắn với đó, Lâm Đồng cũng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm nông nghiệp thông minh trên cơ sở phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững hiệu quả; phát triển đồng bộ hệ thống buôn, bán lẻ, hệ thống logistics. Đồng thời kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển thương hiệu “Đà Lạt- kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trong khu vực và một số thị trường quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu…

UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, trong quá trình không ngừng quan tâm đẩy mạnh chuyển dịch, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nhanh, bền vững, thời gian đến Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch hiệu quả cơ cấu cây trồng hướng đến xuất khẩu; phát triển vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả để hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản. Tỉnh sẽ tập trung ưu tiên cho chuyển đổi cây trồng tại các huyện Đam Rông, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai.

Cạnh đó, địa phương cũng sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá; chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Tỉnh cũng mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa sang các huyện phái Nam; tăng diện tích vùng trồng dâu nuôi tằm tại các huyện Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm; đồng thời phát triển thuỷ sản cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao tại các địa bàn phù hợp./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực