Những định hướng lớn trong phát triển kinh tế Gia Lai đến 2030

Thứ ba, 11/06/2024 16:21
(ĐCSVN) - Là tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, những năm qua Gia Lai luôn quan tâm tập trung đổi mới, có nhiều đột phá về tư duy trong lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. Qua đó từng bước thúc đẩy, đứa bộ mặt nông thông và đô thị ở địa phương cũng như đời sống người dân ngày một phát triển….
Sản xuất mũ sao su tại Gia Lai.

Kinh tế chuyển biến tích cực

Số liệu thống kê của Tỉnh uỷ Gia Lai cho biết, năm 2023 tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 3,02%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, trong đó nông- lâm nghiệp- thuỷ sản chiếm 26,23%, công nghiệp- xây dựng chiếm 29,48%, dịch vụ chiếm 40,38%, thuế sản phẩm chiếm 3,92%. GRDP bình quân đầu người đạt 59,84 triệu đồng (tăng 6,1 triệu đồng so với năm 2022.

Đóng góp để tạo nên những kết quả quan trọng đó, qua nhiều năm theo đuổi và mạng dạn đầu tư, tổ chức cơ cấu lại nền kinh tế đã giúp Gia Lai không ngừng phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Đặc biệt, là một tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai có tiềm năng lớn để phát triển lĩnh vực nông- lâm nghiệp, nhất là các loài cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu…

Chia sẻ về những kết quả đáng kể của lĩnh vực kinh tế nông- lâm nghiệp và thuỷ sản của địa phương trong năm qua, đại diện Tỉnh uỷ Gia Lai cho hay, giá trị sản xuất mang lại trên lĩnh vực này trong năm 2023 đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 7,18% so với năm 2022.

Cùng với việc mở rộng sản xuất thì năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đều đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Trong đó, cà phê đạt 290.980 tấn, đạt 107,83% kế hoạch, tăng 2,87% so với cùng kỳ; điều đạt 35.350 tấn, đạt 170,2% so với kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ; cao su đạt 95.390 tấn, đạt 71,4% so với kế hoạch, tăng 12,9% so với cùng kỳ….

Cũng trong năm 2023, Gia Lai đã chuyển đổi trên 7.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Trong đó, tỉnh đã chuyển 505,55 ha đất lúa; 6.599,74 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau, đậu các loại, dưa hấu, thuốc lá, khoai lang, ngô, cây ăn quả, cây lâu năm, cây hằng năm khác, dược liệu… Đồng thời, tỉnh cũng tập trung phát triển diện tích cây trồng đạt chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất  theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest, FLO, chiếm 43,1% tổng diện tích gieo trồng.

Khai thác mũ cao su nguyên liệu tại Gia Lai. 

Trong khi đó trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 của Gia Lai đạ 31.620 tỷ đông, tăng 9,45% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,26%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 5,02%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,08%; công nghiệp khai khoáng tăng 18,05%.

Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2023 Gia Lạt đạt 680 triệu USSD, tằn 3,03% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 110 triệu USD, giảm 21,43% so với năm 2022.

Cùng với những kết quả đó, Gia Lai cũng tập trung nhiều nguồn vốn đầu tư và thu hút đầu tư và các lĩnh vực. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023 thực hiện được 42.000 tỷ đồng, tăng 9,28% so với năm 2022. Tỉnh cũng triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục thu hút các dự án đầu tư và hoạt động ổn định (trong đó thành lập mới 950 doanh nghiệp, tăng 5,6% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký 9.850 tỷ đồng, tăng 8,5%. Toàn tỉnh hiện có 435 hợp tác xã và 02 liên hiệp hợp tác xã. Đến nay Gia Lai cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, thực hiện các dự án trên địa bàn (năm 2023 có 42 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 4.604 tỷ đồng, tằn 121% so với năm 2022).

Nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững

Với quyết tâm chính trị từ nay đến năm 2030, phải đưa kinh tế- xã hội Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, mới đây Tỉnh uỷ Gia Lai đã đặt ra mục tiêu phát triển theo phương châm “tăng trưởng nhanh và bền vững”. Trong đó xác định, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,57%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng nông- lâm- thuỷ sản, công nghiệp- xây dựng, dịch vụ, thuế sản phẩm tương ứng là 26,62%, 28,94%, 39,84%, 4,6%. GRDP bình quân đầu người đạt 133 triệu đồng/người/năm.

Để đạt được được mục tiêu trên, từ nay đến năm 2030 và các năm tiêp theo sẽ tập trung đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển chiều sâu (thâm canh, chuyên canh), hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, cánh đồng lớn để thuận lợi áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi phải gắn với khu chế biến sâu nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng lớn, hiệu quả cao. Phát triển kinh tế trên cơ sở sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn và thích ứng với biên đổi khí hậu.

Tỉnh Gia Lai sẽ tếp tục tập trung chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang phát triển cây ăn trái chủ lực (như sầu riêng, bơ, chanh leo, chuối…), các loại cây công nghiệp (như cao su, cà phê, hồ tiêu…), cây dược liệu, rau, hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp đảm bảo môi trường mang lại giá trị cao. Quan tâm tăng cường liên kết chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực của tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo Tỉnh uỷ Gia Lai, trong những năm đến, tỉnh này sẽ tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nguồn nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến nhằm phát huy các nguồn lực, góp phần tạo đột phá để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Gia Lai chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho năng suất cao hơn. 

Cũng trong định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Gia Lai sẽ tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng cho nông nghiệp, nhất là hạ tầng thuỷ lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất. Tập trung cho việc ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiên tiến, hiệu quả. Đồng thời tập trung phát triển hạ tầng giao thông liên kết các khu, vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Đặc biệt, Gia Lai xác định thế mạnh công nghiệp của tỉnh trong những năm đến là công nghiệp chế biến và công nghiệp năng lượng, tập trung vào nhóm ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế là nguồn nguyên liệu đầu vào từ sản phẩm của ngành nông, lâm nghiệp.

Cạnh đó, địa phương sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Trà Đa, Khu công nghiệp Pleiku, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và các cụm công nghiệp đã và đang hình thành.

Gia Lai cũng tập trung tăng cường tiềm lực cho phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học cà công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho cả tỉnh và vùng Tây Nguyên.

Ngoài những định hướng trên, một nhiệm vụ hết sức quan trọng đang được các cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng của Gia Lai hết sức quan tâm là rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, đảm bảo sinh kế bền vững và an toàn cho người dân tại vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Cùng với đó là việc hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí dân cư ổn định; quan tâm giải quyết cơ bản tình trang thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực