Phát triển Đơn Dương toàn diện và bền vững

Thứ ba, 21/05/2024 16:54
(ĐCSVN) – Đơn Dương là huyện nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Lâm Đồng, có khí hậu ôn hoà, mát mẻ; là địa phương có đất đai rất phong phú và đa dạng, rất phù hợp để trồng các loại rau hay cây xanh dùng trong chế biến lương thực, thực phẩm. Phát huy lợi thế đó, những năm qua Đơn Dương tiếp tục vươn mình phát triển và định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp sẽ là huyện phát triển toàn diện và bền vững, là huyện phát triển khá của tỉnh Lâm Đồng.
Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, hiện Đơn Dương đang tập trung đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là giải pháp trọng tâm để hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong những năm tới.  

Tại Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đơn Dương lần thứ XII và kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm bản lề 2023 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đơn Dương cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII cũng như kế hoạch “phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2023 ước đạt 8,81%, bình quân giai đoạn 2020 – 2023 ước đạt 6,9%. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 62,7% trong nền kinh tế. Quá trình ưu tiên giảm tỷ trọng nông nghiệp cũng được thực hiện rõ nét qua từng năm. Nếu năm 2021 tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế huyện là 65,3% thì năm 2022 là 63,7% và năm 2023 còn chiếm tỷ trong 62,7% nền kinh tế.

Điểm đáng chú ý trong 3 năm qua đó là tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trên thị trường tương đối ổn định, các mặt hàng nông sản đều được tiêu thụ, không có mặt hàng bị tồn đọng, trong khi kiểm soát tốt sâu bệnh dịch hại không để lây lan trên diện rộng. Cạnh đó, đàn gia súc gia cầm phát triển ổn định, nhất là đối với đàn bò sữa hiện có 16.592 con, tăng 10,4% so với trước đây.  

Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và thương mại dịch vụ có nhiều chuyển biến. Khu vực công nghiệp- xây dựng giai đoạn 2021 - 2023 có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,3%/năm nên cơ cấu kinh tế ngành có sự chuyển dịch đáng kể (năm 2022 là 16,7%; năm 2023 là 16,8%); tỏng khi đó, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 8,8%.

Theo Bí thư Huyện ủy Đơn Dương- Trương Văn Tùng, hoạt động thương mại dịch vụ hiện đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID – 19. Huyện đã triển khai nhiều mô hình, mở nhiều tour, tuyến, điểm du lịch và hình thành một số điểm du lịch canh nông trên địa bàn huyện; trong đó nổi bật nhất đó là điểm tham quan Samten Hills sau khi được đưa vào hoạt động đã thu hút một lượng lớn khách tham quan, du lịch. Huyện cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất, chế biến các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản; hỗ trợ tạo điều kiện cho các ngành, nghề sản xuất phụ trợ và chế biến có sử dụng sản phẩm, nguyên liệu tại địa phương, phục vụ phát triển các ngành nghề ở nông thôn và đề án xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vẫn duy trì được kế hoạch sản xuất, đầu ra sản phẩm luôn ổn định và có chiều hướng phát triển. 

Để tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, thời gian qua huyện Đơn Dương đã tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư vào các dự án, công trình trọng điểm; đồng thời đẩy mạnh quy hoạch, lập kế hoạch để triển khai, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Theo kế hoạch xây dựng cơ bản và phân bổ vốn đầu tư công, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của huyện đã được phê duyệt 410.298 triệu đồng, bố trí cho 68 công trình, dự án. Đến năm 2023, huyện đã triển khai thi công 43 công trình với tổng kế hoạch vốn đã bố trí là 205.180 triệu đồng.

Khu du lịch tâm linh Samten Hill dalat (tại Tu Tra, Đơn Dương)- Địa điểm thu hút đông đảo du khách tìm đến với địa phương. 

Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện lập Đồ án quy hoạch vùng huyện Đơn Dương đến 2040; lập Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Fi Nôm – Thạnh Mỹ (ranh giới hành chính xã Đạ Ròn và thị trấn Thạnh Mỹ); Quy hoạch chung xây dựng nông thôn của các xã giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2040; hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng thị trấn D’Ran; Quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ tỉ lệ 1/500 với quy mô 407ha; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư trung tâm thị trấn D’Ran…Từ đó phối hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp khảo sát đầu tư các dự án trọng tâm trên địa bàn huyện, điển hình các dự án nhà máy nước sạch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp D’Ran; khu đô thị mới thị trấn Thạnh Mỹ; nhà máy điện gió Đơn Dương, chợ đầu mối nông sản…

Cạnh đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện có 161 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn điều lệ gần 1.157 tỷ đồng, 1.119 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới với tổng số vốn điều lệ 635,6 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, số doanh nghiệp  còn tư cách pháp nhân trên địa bàn huyện là  435 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ là hơn 5.634 tỷ đồng; hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn huyện là 4.170 hộ và  thành lập mới 10 hợp tác xã với tổng số vốn điều lệ là gần 40,2  tỷ đồng.

Các kết quả thu hút đầu tư, triển khai xây dựng các dự án công trình đến phát triển kinh tế nêu trên dẫn đến nguồn thu ngân sách huyện đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu được giao với mức tăng bình quân 18,2%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 thực hiện hơn 189,7  tỷ đồng; năm 2021 thực hiện 219,8  tỷ đồng; năm 2022 thực hiện hơn 292,1 tỷ đồng và  năm 2023 ước thực hiện 308,9 tỷ đồng.

Về kết quả Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, với Chương trình “xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh” của huyện, đến nay các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn đã triển khai đồng bộ gắn với các chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó đã đưa chương trình này trở thành phong trào sâu rộng tại các địa bàn nông thôn của huyện. Đặc biệt, qua quá trình thực hiện gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi sự đồng thuận, đóng góp của Nhân dân, hiện ý thức tự giác, tích cực tham gia của người dân và vai trò chủ thể người dân trong xây dựng nông thôn mới đã được khẳng định.

Từ Chương trình, kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân được nâng lên đáng kể; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.

“Qua nửa nhiệm kỳ, Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh trên địa bàn huyện tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó đạt và vượt 8/8 mục tiêu giai đoạn 1. Cụ thể, đến nay có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (đối với rau, hoa) được ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 250 triệu/ha/năm. Bên cạnh triển khai xây dựng 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, mỗi xã đều có ít nhất 1 Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả cùng đó là 10 doanh nghiệp tiêu biểu ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh trong trồng trọt và chăn nuôi…”- Bí thư Huyện uỷ Đơn Dương- Trương Văn Tùng cho biết thêm.

 Một trong những dự án trọng điểm tại Đơn Dương được khởi công xây dựng thời gian qua.

Về kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến, theo đại diện lãnh đạo Huyện uỷ Đơn Dương, trước mắt từ nay đến cuối nhiệm kỳ, huyện quyết tâm phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021- 2025 đạt 8,4%; trong đó tốc độ tăng trưởng năm 2023 đạt 11,07%, năm 2024 đạt 9% và năm 2025 đạt 8,97%. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 7,4%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 10,1%; khu vực dịch vụ tăng 10%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 theo giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản 61,8%; công nghiệp, xây dựng 17,3%; dịch vụ 20,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 90,6 triệu đồng/người/năm và thu ngân sách nhà nước bình quân năm tăng 13,6%.

Về lâu dài, trên cơ sở Chương trình hành động số 48-CTr/TU ngày 30/12/2022 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Huyện uỷ Đơn Dương xác định mục tiêu đến năm 2030 huyện Dơn Dương sẽ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; bản sắc văn hoá cộng đồng các dân tộc được gìn giữ, phát huy; an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, duy trì ổn định. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tiếp tục tăng cường.

Phấn đấu đến năm 2045, huyện Đơn Dương phát triển toàn diện và bền vững dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lâm Đồng; có hệ thống kết cầu hạ tầng hiện đại. đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế  với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.

“Để đạt được mục tiêu, tầm nhìn trên, Huyện uỷ Đơn Dương đã ban hành kế hoạch thực hiện với 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, yêu cầu đầu tiên cần được các cấp, các ngành, địa phương và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong toàn huyện phải quán triệt là thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên mà Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 48-CTr/TU của Tỉnh uỷ đã nêu ra.

Đồng thời với đó, cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành, giữa địa phương với các địa phương bạn và với tỉnh cũng như các tỉnh trong vùng Tây Nguyên trong xây dựng, phát triển; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng, đặc biệt là phát triển huyện Đơn Dương nhanh, bền vững, gắn kết chặt chẽ và là động lực tăng trưởng của tỉnh Lâm Đồng cũng như của vùng Tây Nguyên”- Bí thư Huyện uỷ Đơn Dương- Trương Văn Tùng chia sẻ thêm./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực