|
Dệt thổ cẩm trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. |
Trước hết, nếu nói đến các di tích lịch sử ở Tây Nguyên, nhiều người đều biết đến các di tích độc đáo như: Thánh địa Cát Tiên (Lâm Đồng), tháp Yang Prong (Đắk Lắk); các di tích trận đánh thời kỳ chống Mỹ, bao gồm các làng kháng chiến, khu tưởng niệm, căn cứ cách mạng. Tiêu biểu cho loại hình di tích này là: Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) gắn với tên tuổi của anh hùng Núp; Khu lưu niệm người anh hùng N'Trang Gưh (Xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, Đắk Nông); Cụm di tích đồn Buméra, Bu Nor (xã Đắk R'tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) gắn với hoạt động của anh hùng N'Trang Lơng; Căn cứ kháng chiến B4 (Xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông); Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nằm trên các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Với các dân tộc anh em sinh sống, Tây Nguyên có nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều chùa, nhà thờ, tu viện mới được xây dựng hoặc được xây dựng từ hàng tram năm có kiến trúc đẹp, cảnh quan đẹp độc đáo như: Chùa Minh Thành (Pleiku, Gia Lai), Chùa Sắc tứ Khải Đoan (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Chùa Linh Sơn (Đà Lạt, Lâm Đồng), Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng), Nhà thờ gỗ Kon Tum (thành phố Kon Tum); một số nhà thờ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) như Nhà thờ Cam Ly, Nhà thờ Mai Anh (Domaine de Marie), Nhà thờ Con Gà...
Văn hoá Tây Nguyên có sắc thái đa dạng và phong phú, được biểu hiện qua kho tang văn học truyền miệng, nghệ thuật cồng chiêng, các lễ hội dân tộc, các tín ngưỡng dân gian, các luật tục, ngôn ngữ, xen lẫn với nét văn hoá của các tộc người dân tộc thiểu số phía Bắc như người Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao. Nét văn hoá này mang tính đặc thù được hình thành và phát triển chủ yếu trên cơ sở của “nền văn minh nương rẫy” và nó có sự khác cơ bản với văn hoá của “văn minh lúa nước” ở các vùng đồng bằng của Việt Nam.
|
Các danh thắng, di tích lịch sử và văn hoá Tây Nguyên luôn có sự hấp dẫn đối với du khách. |
Không gian văn hoá cồng chiêng, sử thi, những điệu múa, lời hát, cách ăn mặc, nhạc cụ, truyền thống mẫu hệ mang giá trị biểu thị đặc trưng của văn hoá tộc người ở vùng Tây Nguyên, dựa trên những giá trị thực tiễn và thần thoại, gắn với các phong tục, tập quán, nghi lễ ca múa nhạc nguyên thuỷ.
Bên cạnh các nét văn hoá truyền thống, Tây Nguyên còn là nơi có nhiều nét văn hoá hiện đại, thể hiện qua các lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, các cửa khẩu, các nhà máy thuỷ điện, trung tâm thương mại, làng hoa, khu vui chơi giải trí, các bảo tàng văn hoá dân tộc, các công viên lớn, các vườn quốc gia với sự đa dạng của hệ sinh thái...là tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, qua đó góp phần xây dựng và phát triển Tây Nguyên bền vững, thời gian qua các cấp uỷ, chính quyền tại Tây Nguyên đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời tập trung nhiều nguồn lực đầu tư nhằm phát huy, bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tại đây.
Cũng thông qua việc, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá (cả vật thể và phi vật thể), văn hoá Tây Nguyên ngày càng khẳng định sự độc đáo, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Đây cũng sẽ là nguồn lực để Tây Nguyên tiếp tục phát huy, khai thác, góp phần xây dựng một Tây Nguyên giàu bản sắc và phát triển trong những năm đến./.