|
Người dân Xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ đang khẩn trương khôi phục lại sản xuất sau bão. Ảnh: TTXVN |
Theo báo cáo, trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình hiện có 74.327 ha lúa mùa, trong đó diện tích đã trổ bông khoảng 27.407 ha (đạt 35%); diện tích cây màu vụ hè thu đã thu hoạch khoảng 5.000 ha (đạt 58% tổng diện tích đã gieo trồng).
Sau bão số 3, có 28.000 ha lúa mùa trong tỉnh bị thiệt hại từ 30-70%, 27.000 ha bị thiệt hại trên 70%, trong đó diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000 ha; 585 ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu vụ hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng 30-70%, 2.760 bị ảnh hưởng trên 70%; 1.215 ha cây ăn quả, chuối... bị ảnh hưởng 30-70%, 170ha bị ảnh hưởng trên 70%.
Cụ thể, tại xã Quỳnh Hải là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất của tỉnh Thái Bình với 1.700 hộ (chiếm trên 80% tổng số hộ của xã) canh tác tại 220ha diện tích. Bão số 3 khiến các cánh đồng rau màu tại đây trở nên xơ xác, khung che bị đổ rạp, nhiều diện tích rau ngập úng, gãy đổ, kho, lán ủ phân bón trên nhiều cánh đồng bị tốc mái.
Anh Trang, thôn An Phú, xã Quỳnh Hải chia sẻ, gia đình anh trồng 8 sào rau màu, dự định cuối tháng 9 sẽ cho thu hoạch. Nhưng ảnh hưởng của bão nên toàn bộ diện tích này gần như mất trắng, thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Không chỉ vậy, diện tích lán ủ phân bón của gia đình anh trên cánh đồng thôn An Phú cũng bị tốc mái hoàn toàn, phải lợp lại.
Ông Đỗ Công Chuân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải, (Quỳnh Phụ) cho biết, nhờ trình độ thâm canh cao cùng truyền thống và kinh nghiệm tích lũy từ việc sản xuất rau màu lâu đời, những năm qua nông dân xã Quỳnh Hải đã biến các cánh đồng thành thủ phủ sản xuất rau màu trọng điểm của tỉnh Thái Bình với đa dạng các loại rau màu như cần tây, tỏi tây, su hào, bắp cải, cải ngọt, bí, đỗ, hành lá, thì là… mang lại giá trị kinh tế cao, trung bình 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, bão số 3 càn quét đã khiến trên 164 ha diện tích rau màu của nông dân xã Quỳnh Hải bị thiệt hại từ 80 đến 100%; chỉ còn lại khoảng 40 ha diện tích có thể thu hoạch.
|
Ngay sau khi nước rút, nông dân các địa phương khẩn trương xuống đồng chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa. Ảnh: baothaibinh.vn |
Cũng được biết, sau bão gần 40 mẫu lúa của gia đình ông Vũ Tiến Thẩm, xã Đông Xuân (Đông Hưng) đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ bông bị mưa, lũ nhấn chìm trong nước. Đến ngày 15/9, mực nước trên đồng đã giảm đáng kể, tuy nhiên tại cánh đồng Cửa Chùa, vùng trũng của xã, nước vẫn còn ngập quá đòng. Ước tính khoảng 30% diện tích lúa mất trắng.
Ông Thẩm đã chia sẻ, nhiều năm rồi mới chứng kiến trận bão, lũ lớn như vậy. Thiên tai ập đến biết là sẽ thiệt hại nhưng không nghĩ lại nặng nề vậy. Nhà ông có 14 mẫu vùng cánh đồng Cửa Chùa. Do nằm ở vùng trũng, nước trên sông trục cao nên gần 1 tuần cây lúa ngập sâu trong nước, đòng lúa có dấu hiệu thối. “Còn nước còn tát”, ngay khi trời nắng ông phun thuốc phòng, trừ sâu đục thân, bệnh đạo ôn cổ bông và một số bệnh hại khác theo khuyến cáo.
Để kịp thời hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất sau bão số 3, tỉnh Thái Bình đang nghiên cứu phương án hỗ trợ giúp nông dân sớm ổn định sản xuất. Đồng thời, cử gần 90 cán bộ kỹ thuật đến các địa phương trực tiếp hướng dẫn bà con các biện pháp bảo vệ cây trồng còn lại và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, khắc phục hậu quả sau bão lũ với quyết tâm nhanh chóng khôi phục lại sản xuất nông nghiệp, một trong những thế mạnh của địa phương nhiều năm qua.