Thái Bình - Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang phát huy hiệu quả

Thứ tư, 27/10/2021 09:49
(ĐCSVN) - Cùng với cả nước, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai thực hiện tại tỉnh Thái Bình từ năm 2009. Hơn 10 năm qua, chính sách an sinh xã hội này đã trở thành "phao cứu sinh" hỗ trợ tích cực cho người lao động mất việc làm ổn định cuộc sống, sớm tìm được việc làm mới. Đồng thời đây cũng là công cụ góp phần ổn định kinh tế - xã hội địa phương, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: congdoan.vnpt.vn) 

* Điểm tựa của người lao động

Trước đây, anh Vũ Hữu Tuấn (xã Minh Phú, huyện Đông Hưng) làm việc trong Ban quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Minh Châu (nay là xã Minh Phú, huyện Đông Hưng) với thời gian 5 năm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2021, anh Tuấn không làm việc tại Hợp tác xã nữa và tìm kiếm việc làm mới. Trong thời gian này, anh Tuấn tới Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động – Thương bình và Xã hội tỉnh Thái Bình) khai báo tình trạng việc làm, hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Anh Tuấn cho biết, số tiền hỗ trợ 2,2 triệu đồng/tháng dù không nhiều nhưng giúp anh trang trải thêm cho cuộc sống gia đình, vượt qua khó khăn trước mắt. Với những thông tin việc làm mới được Trung tâm Dịch vụ việc làm cung cấp, anh Tuấn hi vọng mình sẽ tìm được công việc mới phù hợp với trình độ, sức khỏe trong thời gian sớm nhất.

Cũng như anh Tuấn, hàng ngày có khoảng 200 lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình khai báo và làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều lao động phải nghỉ việc. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình cho thấy, 5 tháng của năm 2020 có 4.410 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 50% so với năm 2019), 5 tháng của năm 2021 con số này là 3.173 lao động.

Ông Phạm Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình cho biết, theo Luật Việc làm năm 2013, khi lao động thất nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ sẽ được hưởng trợ cấp 3 tháng với điều kiện đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Sau mốc này, mỗi năm đóng bảo hiểm sẽ được tăng thêm 1 tháng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp với mức bình quân 60% của tháng lương tối thiểu. Đây là nguồn hỗ trợ rất tích cực để người lao động trang trải cuộc sống trong thời gian thất nghiệp. Trong 5 tháng năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với 3.159 người.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đang quản lý 8.886 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có trên 184.600 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 5 tháng năm 2021, cơ quan đã chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho trên 19.600 lượt người với tổng số tiền 56,3 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình đánh giá, chính sách bảo hiểm thất nghiệp là "phao cứu sinh", là điểm tựa của người lao động khi mất việc làm. Nguồn quỹ này được sử dụng vào các mục đích như chi trả trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề để duy trì việc làm; hỗ trợ học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm và đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, bảo hiểm thất nghiệp lại càng có ý nghĩa hơn trong việc hỗ trợ cho người lao động khi mất việc làm tạm thời, vượt qua khó khăn.

* Tăng cường kiểm soát, tránh các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Cùng với việc giải quyết quyền lợi, chế độ cho người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, cơ chế kiểm soát nguồn quỹ cũng là nhiệm vụ quan trọng, tránh các hành hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi.

Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hành vi gian lận tiền bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị truy tố hình sự với mức án cao nhất là 10 năm tù nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình chưa có trường hợp gian lận nào bị truy tố, chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình, trong năm 2021, Trung tâm đã lập biên bản, tham mưu Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 1,5 triệu đồng đối với 5 trường hợp người lao động khai báo không trung thực để hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.

Bà Vũ Thị Hoa, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình) cho biết, qua rà soát năm 2020, cơ quan bảo hiểm đã thu hồi 461 triệu đồng của 154 người do những lao động này đã có việc làm mới nhưng không khai báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Hồng Ngọc, hiện nay chưa có phần mềm liên thông giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với ngành Bảo hiểm xã hội để quản lý người hưởng trợ cấp thất nghiệp, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu kịp thời các thông tin người tham gia. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phát triển đối tượng tham gia, đồng thời tăng cường các cơ chế phối hợp, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi chính sách.

 

Thu Hoài
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực