Đa dạng hóa sinh kế, triển khai nhiều mô hình giảm nghèo ở Định Hóa

Thứ tư, 28/08/2024 17:43
(ĐCSVN) - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội; UBND huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 23/8/2022 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện. Nhờ có sự đa dạng hóa và áp dụng chính sách thuận lợi đã tạo sinh kế bền vững, phù hợp với thực tiễn địa phương, góp phần hiện thực hóa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện đồng bộ, linh hoạt

Huyện Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, gồm 22 xã và 01 Thị trấn. Diện tích của huyện là 51.377,4 ha với dân số 103.119 người, kinh tế của huyện chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Nhờ có sự quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt của toàn hệ thồng chính trị, những năm gần đây, công tác giảm nghèo của huyện Định Hóa đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân trong gian đoạn 2016 - 2020 đạt 4,23%/ năm. Đến cuối năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, huyện Định Hóa có 4.596 hộ nghèo (17,39%), 3.922 hộ cận nghèo (14,84%).

Lãnh đạo xã Bình Yên kiểm tra quá trình chăm sóc bò sinh sản sau khi gia đình chị Nông Thị Thảo (xóm Khang Thượng, xã Bình Yên) được nhận hỗ trợ. 
 

Gia đình chị Nông Thị Thảo, xóm Khang Thượng, xã Bình Yên, thuộc diện hộ nghèo. Bản thân bị bệnh nan y về đường huyết, nuôi con nhỏ đang tuổi đi học, kinh tế hầu như phải dựa vào người thân hỗ trợ. Chị được gia đình chia cho hơn 1 sào đất vườn bãi luân canh trồng ngô và cỏ chăn nuôi. Trước khi nhận hỗ trợ bò giống, chị Thảo đã được cán bộ khuyến nông huyện và Tổ sản xuất cộng đồng của xã tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản để cải thiện điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Tháng 12/2023, sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt hỗ trợ kinh phí mua bò giống, chị Thảo đã tìm đến gia trại chăn nuôi bò tại xã Điềm Mặc để đặt mua con giống khoẻ mạnh và ưng ý nhất. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành xác minh, thẩm định, tiêm phòng dịch bệnh và thanh toán trực tiếp khoản tiền hỗ trợ theo quy định cho chủ gia trại.

Sau 3 tháng chăm sóc, bò khỏe mạnh và đã mang thai, dự kiến cuối năm nay sinh bê con. Chị Thảo xúc động nói: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tôi được quyền quyết định lựa chọn vật nuôi và con giống. Cuối năm tôi sẽ có thêm bê con và tiếp tục nhân đàn để bán, tăng thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện thường tập trung ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục vận động người dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, mạnh dạn áp dụng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
 

Hộ gia đình tại xã Quy Kỳ được bàn giao nhận bò sinh sản về nuôi 

 

Với xuất phát điểm là huyện có tỷ lệ nghèo đa chiều cao (32,23%), việc thực hiện công tác giảm nghèo để đáp ứng tỷ lệ nghèo đa chiều của các xã đạt chuẩn nông thôn mới <13%, tỷ lệ nghèo đa chiều của các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao <8% là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với huyện Định Hóa tại thời điểm xây dựng Đề án. Từ đó, việc xác định được nguyên nhân nghèo cụ thể, huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm ở các hộ thiếu hụt các chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bằng việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp, công tác giảm nghèo của huyện Định Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; tỷ lệ nghèo đa chiều của các xã đáp ứng tiêu chí nghèo đa chiều, góp phần xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Nhiều sáng tạo trong cách làm

Đến nay trên địa bàn huyện Định Hóa có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản; chăn nuôi bò cái Lai Shin sinh sản; chăn nuôi gà thả vườn đồi; Mô hình sản xuất chè phát triển du lịch nông sản, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nhân dân thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
 

Hộ gia đình tại xã Phú Đình vui mừng vì mô hình nuôi bò sinh sản đã giúp gia đình thoát nghèo 

 

Ông Lý Văn Thắng, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Năm 2024, địa phương đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 2,25% trở lên, trong đó: giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,40% trở lên, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,85% trở lên. Phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều còn dưới 6,5%. Bám sát mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện tăng cường rà soát, nắm bắt nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ, các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo và danh sách, nhu cầu hỗ trợ nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để triển khai các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân”.

Bên cạnh đó, huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh) năm 2023 đạt 1.200,2 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm trên một ha đất nông nghiệp trồng trọt năm 2023 (theo giá thực tế) đạt 108,9 triệu đồng/ha. Huyện quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn huyện hiện có 24 làng nghề truyền thống, hơn 3.600 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 49 hợp tác xã đang hoạt động. Bằng việc thực hiện nhiều giải pháp, đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 45,86 triệu đồng/người/năm.

Bằng những chính sách phù hợp, hiệu quả, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội tại huyện Định Hóa đã mang lại hiệu quả thực chất, góp phần xây dựng huyện trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.


Lê Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực