|
Một công nhân đang dỡ hàng viện trợ y tế do WHO chuyển đến Bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, ngày 7/8/2024. (Ảnh: Xinhua) |
Đây là cảnh báo do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đưa ra ngày 7/8 giữa lúc một chu kỳ dường như vô tận của tình trạng di dời do bạo lực đang khiến người dân Gaza ngày càng khó tiếp cận được nguồn viện trợ để duy trì sự sống.
Theo OCHA, tình trạng thù địch liên miên và các lệnh sơ tán liên tục đã gây ra những làn sóng người dân di dời ở dải đất hẹp ven Địa Trung Hải. Tuy nhiên, khi trẻ em suy dinh dưỡng ở Gaza phải đột ngột chạy trốn khỏi xung đột, các đối tác nhân đạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi và cung cấp các dịch vụ cần thiết. Chưa kể tới việc bản thân người phải di dời cũng gặp nhiều khó khăn trong việc mang theo các vật dụng phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng mà họ cần tới.
Bất chấp các lệnh sơ tán liên tục, nhiều gia đình vẫn bám trụ lại các khu vực được sơ tán do an toàn không được bảo đảm, cũng như điều kiện sống khắc nghiệt tại các địa điểm di dời – vốn gặp nhiều hạn chế về khả năng tiếp cận viện trợ và các dịch vụ cơ bản. Nhiều người trong số này cũng chấp nhận ở lại vì đã quá mệt mỏi những với đợt di dời liên tiếp. Tuy nhiên, cho dù lựa chọn ra đi hay lại, người dân Gaza vẫn được hỗ trợ nhân đạo để duy trì cuộc sống trong bối cảnh xung đột kéo dài.
OCHA chỉ ra rằng, tình trạng di dời liên tục, mất an ninh, hạn chế tiếp cận và những thách thức khác cản trở những nỗ lực phát hiện sớm trẻ em và phụ nữ cần hỗ trợ dinh dưỡng; đồng thời hạn chế khả năng của các đối tác nhân đạo trong việc mở rộng hoạt động và dự trữ vật tư.
Các nhà hoạt động nhân đạo cho biết hiện một số đối tác đang quan sát sự di chuyển và nhu cầu của những người mới di dời ở Deir al Balah, Khan Younis và hỗ trợ họ những nhu cầu cần thiết. Kể từ ngày 22/7, các nhân viên nhân đạo đã cung cấp hàng trăm căn lều cho các gia đình phải di dời ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc Gaza.
Theo thông tin từ OCHA, tính từ ngày 22/7 - 4/8, 48 đối tác của OCHA phụ trách các hoạt động phản ứng y tế tại Gaza đã tiếp cận được hơn 250.000 người trên khắp vùng lãnh thổ này. Bên cạnh đó, nhiều nhóm y tế khẩn cấp đang làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân viên y tế địa phương, trong đó có 3 nhóm ở phía Bắc Gaza.
|
Một đứa trẻ đứng bên trong tòa nhà bị hư hại ở Gaza. (Ảnh: OCHA) |
Tuy nhiên, các hành động thù địch và các cuộc ném bom gây nhiều thương vong liên tục xảy ra ở Gaza trong những tuần gần đây đã khiến các tổ chức nhân đạo gặp nhiều thách thức trong việc hỗ trợ các trường hợp người dân gặp chấn thương và trong tình trạng khẩn cấp. Trong khi đó, hệ thống cung cấp nước và vệ sinh kém, cùng tình trạng quá tải cũng đang thúc đẩy các đợt bùng phát dịch bệnh ở Gaza.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cơ quan y tế Gaza nhằm triển khai một loạt các biện pháp, trong đó gồm các chiến dịch tiêm vắc-xin bại liệt, sau khi biến thể của vi-rút bại liệt tuýp 2 được phát hiện ở Gaza.
Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO – bà Hanan Balkhy lưu ý, dù cho tới nay, chưa trường hợp mắc bệnh lâm sàng nào được phát hiện, nhưng nguy cơ đối với trẻ em là rất cao.
"Chúng ta phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của vi-rút" - bà Balkhy nói, đồng thời lưu ý thêm rằng việc thực thi một lệnh ngừng bắn, ngay cả tạm thời, cũng rất quan trọng để thực hiện thành công các chiến dịch tiêm chủng. Quan chức của WHO cảnh báo, nếu không thực hiện được điều này thì vi-rút gây bệnh có thể lây lan xa hơn, thậm chí xuyên qua cả các khu vực biên giới.
Cũng theo cảnh báo của WHO, số lượng bệnh nhân cần sơ tán y tế bên ngoài Gaza dự kiến sẽ tăng lên, do giao tranh vẫn đang tiếp diễn và năng lực của hệ thống y tế đang thu hẹp. Qua đó, tổ chức này tiếp tục kêu gọi thiết lập thêm nhiều hành lang sơ tán y tế ra khỏi Gaza để đảm bảo bệnh nhân được di chuyển an toàn và kịp thời qua mọi tuyến đường có thể, bao gồm cả các cửa khẩu Rafah và Kerem Shalom.
Cùng chung quan ngại, OCHA khẳng định, Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo tại Gaza vẫn cam kết đưa ra những hỗ trợ quan trọng cho người dân trên khắp Dải Gaza vào bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có thể.
Tuy nhiên, các kế hoạch hỗ trợ nhân đạo này chỉ được coi là giải pháp tình thế trong khi chưa giải quyết được cốt lõi vấn đề. Điều mà người dân Palestine cần hơn cả là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza cùng một giải pháp chính trị toàn diện để chấm dứt xung đột, tiến tới thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững./.