|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ một cậu bé nghi mắc mpox ở Cộng hoà dân chủ Congo, ngày 19/7/2024. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 13/8, ông Jean Kaseya, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết: "Hiện nay, mpox đã vượt qua biên giới, ảnh hưởng đến hàng nghìn người trên khắp lục địa, các gia đình đã bị chia cắt, nỗi đau và sự đau khổ đã chạm đến mọi ngóc ngách của lục địa chúng ta”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đối với dịch bệnh này không phải là hình thức, mà là lời kêu gọi hành động rõ ràng. Theo đó, người đứng đầu CDC châu Phi khẳng định việc cần phải chủ động và tích cực trong nỗ lực ngăn chặn và loại bỏ mối đe dọa từ mpox.
Theo số liệu của CDC châu Phi, kể từ tháng 1/2022 đến ngày 4/8, châu lục này có 38.465 ca mắc mpox và có 1.456 ca tử vong. Trong đó, kể từ đầu năm 2024 đến nay, châu lục này ghi nhận hơn 15.000 ca mắc bệnh mpox và 461 ca tử vong, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các quốc gia bị ảnh hưởng bao gồm Burundi, Cameroon, Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, Nam Phi, Uganda và Kenya.
Trong đó, CHDC Congo chiếm hơn 96% tổng số ca mắc và tử vong. Các quan chức cho biết gần 70% các trường hợp mắc bệnh mpox ở nước này là ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại CHDC Congo. Bệnh này đã xuất hiện trong nhiều năm ở một số quốc gia Tây và Trung Phi, khi virus lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người.
Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nhưng với một số người khác bệnh có triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Triệu chứng điển hình về bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu giật, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng bạch huyết.
Tháng 7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023. Tháng 5/2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh.
Theo kế hoạch, một ủy ban của WHO sẽ nhóm họp vào ngày 14/8 để quyết định có hay không ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh này./.