Với Nghị quyết 45/106 ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế người cao tuổi.
Việc công bố ngày kỷ niệm này theo đúng như Kế hoạch hành động quốc tế Vienna về người cao tuổi, được Đại hội thế giới về người cao tuổi thông qua năm 1982 và Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cùng trong năm này.
Năm 1991, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua các Nguyên tắc của Liên hợp quốc đối với người cao tuổi.
Năm 2002, Đại hội thế giới về người cao tuổi lần thứ hai thông qua Kế hoạch hành động quốc tế Madrid về người cao tuổi, nhằm ứng phó với những cơ hội và thách thức của tình trạng già hóa dân số trong thế kỷ XXI và để thúc đẩy sự phát triển một xã hội dành cho mọi lứa tuổi.
Ngày quốc tế người cao tuổi được kỷ niệm nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, chẳng hạn như quá trình lão hóa và việc lạm dụng người cao tuổi. Đây cũng đồng thời là dịp để đánh giá cao các đóng góp mà những người cao tuổi đã làm cho xã hội.
Cần đánh giá cao vai trò của người cao tuổi vì những đóng góp mà họ đã cống hiến cho gia đình và xã hội. (Ảnh: Thế Dương)
Đấu tranh chống phân biệt đối xử với người cao tuổi
Phân biệt đối xử đối với người cao tuổi là một thái độ phổ biến và tiêu cực, dựa trên sự phân biệt về tuổi tác và đôi khi việc bỏ rơi cũng như lạm dụng người cao tuổi lại còn được xem là một chuẩn mực xã hội và vì vậy, được chấp nhận. Đó là một thực tế đã và đang diễn ra theo nhiều cách khác nhau tại không ít xã hội. Ở đó, thái độ của các cá nhân, các thể chế và chính sách, cũng như những thể hiện của các phương tiện truyền thông đều không có người cao tuổi.
Những hình thức phân biệt đối xử như vậy khiến cho người cao tuổi không được công nhận trong các xã hội của họ, tạo ra những môi trường mà ở đó tiềm năng của người cao tuổi bị hạn chế, gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ tới sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi. Không đấu tranh chống phân biệt đối xử với người cao tuổi sẽ làm suy yếu các quyền của người cao tuổi, đồng thời làm cản trở những đóng góp của họ cho đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị.
Ngoài ra, theo Liên hợp quốc, tại hầu hết các nước, những người cao tuổi không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế và đào tạo về y học lão khoa không đáp ứng đủ so với nhu cầu đối với loại hình chăm sóc đặc biệt này. Thêm vào đó, trong thời gian trở lại đây, nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc lâu dài cho người cao tuổi ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Nếu như trước đây, những dịch vụ này thường được các thành viên gia đình đảm nhiệm thì hiện nay công việc chăm sóc người cao tuổi ngày càng được đảm nhận bởi các chuyên gia y tế.
Thêm vào đó, cũng theo Liên hợp quốc, lạm dụng và bỏ bê người cao tuổi là một thực trạng đáng buồn được ghi nhận trên thế giới. Việc lạm dụng người cao tuổi có thể tồn tại dưới nhiều hình thức: thể chất, tâm lý, tình cảm, tài chính hoặc do sơ suất, bất cẩn gây nên. Không những thế, người cao tuổi còn phải đối mặt với các khó khăn như bị cô lập trong xã hội, bị định kiến về tuổi tác, hay sự xói mòn trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong một gia đình, một cộng đồng và toàn xã hội...
Phân tích tình hình kinh tế, xã hội hiện tại và sự tham gia của người cao tuổi cũng cho thấy một sự không đồng nhất giữa các quốc gia. Trong các khu vực kém phát triển của thế giới, nơi an sinh xã hội và các chương trình hưu trí chỉ được phổ cập đến một số ít lao động, thì nhiều người cao tuổi – chủ yếu là nam giới – vẫn phải tiếp tục làm việc do nhu cầu kinh tế đòi hỏi. Trong khi đó, ở các nước phát triển hơn, những người lớn tuổi có mong muốn tiếp tục làm việc lại thường là nạn nhân của sự phân biệt tuổi tác và quy định nghỉ hưu bắt buộc.
Bảo vệ quyền cơ bản của người cao tuổi là nghĩa vụ đạo đức và thực tiễn
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế người cao tuổi năm 2016, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định đây là dịp để chúng ta cùng đưa ra lập trường chống lại tình trạng phân biệt đối xử đối với những người cao tuổi.
Ông Ban Ki-moon nêu rõ mặc dù chúng ta vẫn thường nói rằng người cao tuổi nhận được một sự quan tâm đặc biệt song thực tế vẫn cho thấy tại rất nhiều xã hội, người cao tuổi vẫn bị áp đặt những hạn chế và bị cấm tiếp cận với việc làm, các khoản vay và các dịch vụ cơ bản. Theo ông, việc đẩy những người cao tuổi ra ngoài lề xã hội và đối xử bất công với họ sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt. Việc làm này sẽ khiến chúng ta không thể tận dụng được sức sản xuất và kinh nghiệm của người cao tuổi trong các hoạt động nghề nghiệp cũng như trong các hoạt động tình nguyện; đồng thời, hạn chế khả năng của người cao tuổi trong việc chăm sóc và hỗ trợ, đặc biệt về mặt tài chính, cho gia đình và cộng đồng của họ. Tình trạng phân biệt đối xử với người cao tuổi cũng thường xảy ra cùng với các hình thức phân biệt đối xử khác như phân biệt đối xử về giới tính, chủng tộc, khuyết tật và các hình thức khác, càng làm trầm trọng thêm những hậu quả vốn đã rất tiêu cực.
Vì vậy, hạn chế và chống phân biệt đối xử đối với người cao tuổi và bảo vệ các quyền lợi cơ bản của họ cần luôn được xem là một nghĩa vụ đạo đức và thực tiễn. Những thách thức đặt ra là rất lớn và không ngừng gia tăng. Phần dân số cao tuổi sẽ tăng hơn 900 triệu người vào năm 2015 và 1,4 tỷ người trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và 2,1 tỷ người vào năm 2050 và lúc đó, số lượng người cao tuổi sẽ gần như bằng số trẻ em dưới 15 tuổi.
Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc đặc biệt lên án các hành vi phân biệt đối xử đối với người cao tuổi dưới tất cả các hình thức và yêu cầu triển khai nhiều biện pháp nhằm chống lại tình trạng vi phạm các quyền con người, vào thời đại khi chúng ta đang nỗ lực phấn đấu xây dựng xã hội cởi mở hơn, chào đón con người ở mọi lứa tuổi. Để làm được điều này, cần thay đổi cách thức nhìn nhận đối với người cao tuổi, thay vì xem họ là một gánh nặng, cần đánh giá cao họ vì rất nhiều những giá trị mà họ đã cống hiến cho nhân loại, cho gia đình.
Tổng thư ký Ban Ki-moon đề nghị áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm mang tính pháp lý tốt hơn, thông qua nhiều chính sách, pháp luật để người cao tuổi được bình đẳng với những người khác và tránh tình trạng phân biệt đối xử với họ. Ông khuyến khích các nhà chức trách thu thập dữ liệu và thống kê có chất lượng tốt hơn liên quan tới sức khỏe, tình hình kinh tế và hạnh phúc của người cao tuổi, từ đó đáp ứng tối hơn những mối bận tâm của họ. Tổng thư ký cũng đồng thời lưu ý cộng đồng quốc tế cần dành thời gian để suy nghĩ về những định kiến của mình và tìm ra phương thức để mỗi người đều có thể đấu tranh chống lại tình trạng phân biệt đối xử đối với người cao tuổi.
Thêm vào đó, cộng đồng quốc tế đang trong tiến trình thực hiện Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030, trong đó có kế hoạch hành động rõ ràng để thay đổi tình hình. Chương trình này là một kế hoạch hướng tới tương lai và các mục tiêu phát triển bền vững được xây dựng tập trung vào sự tham gia và bình đẳng, với cam kết không để ai bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Thông qua việc thúc đẩy những tiến bộ trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta có thể huy động được đáng kể tài năng và kinh nghiệm của những người cao tuổi trong khuôn khổ thực hiện chương trình này.
Nhân Ngày quốc tế người cao tuổi năm 2016, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi mọi người cùng ngăn chặn một cách mạnh mẽ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với người cao tuổi và để họ phát huy hết khả năng của mình nhằm giữ vững cam kết mà thế giới đã đặt ra, cho phép tất cả mọi người cùng được sống với phẩm giá và mỗi người đều được hưởng các quyền cơ bản./.