Đại dịch COVID-19: WHO kêu gọi thế giới tập trung “chống lửa”

Số ca nhiễm trên toàn cầu vượt ngưỡng 3,8 triệu người
Thứ năm, 07/05/2020 08:26
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ đưa ra đánh giá sau hành động và xem điều gì đã diễn ra vào thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, khi mà “ngọn lửa đang lan rộng” thì thế giới cần tập trung chống lửa.

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với dịch COVID-19

Nhật Bản sẽ đưa thuốc Remdesivir vào điều trị COVID-19

Tổng Giám đốc WHO  Tedros Adhanom Ghebreyesus tham gia họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 6/5. (Video: Global News)

Đây là thông điệp do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 6/5, trước một số ý kiến chỉ trích về cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19.

Phản ứng trước lời đề nghị đánh giá về thời điểm tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, nhà lãnh đạo WHO cho biết, ông muốn đưa ra những đánh giá hơn ai hết. Tuy nhiên, công việc này sẽ được thực hiện vào thời gian phù hợp, trong một công đoạn được WHO gọi là “đánh giá sau hành động”.

“Liên quan tới những đánh giá, tôi biết rằng WHO có truyền thống đánh giá các vấn đề và có một công đoạn gọi là đánh giá sau hành động…Vì thế, chúng ta sẽ thấy những gì đã diễn ra dựa trên một lịch trình, khi chúng ta thực hiện công đoạn đánh giá…Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, tôi kêu gọi thế giới tập trung chiến đấu với lửa, bởi khi mà ngọn lửa đã lan rộng thì chúng ta không nên phân tán trọng tâm. Và chúng ta thực sự nên tập trung chống lửa cũng như cứu lấy sinh mạng con người” – ông Ghebreyesus nói.

Trong một thông điệp khác phát đi cùng ngày, người đứng đầu WHO nhấn mạnh, hệ thống y tế mạnh mẽ và bền bỉ chính là tấm lá chắn phòng thủ tốt nhất chống lại những đại dịch và những mối đe dọa về sức khỏe trên thế giới.

Theo quan điểm của ông Ghebreyesus thì đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các hệ thống y tế mạnh mẽ từ phạm vi mỗi quốc gia trở xuống và đây được xem và nền tảng của an ninh y tế toàn cầu.

Người đứng đầu WHO cảnh báo, nếu tình hình tiếp diễn như hiện nay thì sẽ có khoảng 5 tỷ người không được tiếp cận với những dịch vụ y tế thiết yếu vào năm 2030. Những khoảng trống này không những làm tổn hại đến sức khỏe của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng mà còn đặt an ninh toàn cầu và phát triển kinh tế trước thách thức.

Theo ông Ghebreyesus thì hiện thế giới đang đầu tư khoảng 7,5 nghìn tỷ USD (tương đương 10% GDP toàn cầu) mỗi năm cho y tế. Sự đầu tư tốt nhất là cải thiện sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh ngay từ ban đầu. “Phòng ngừa không chỉ là phương án tốt hơn chữa trị mà còn ít tốn kém hơn và là điều thông minh nhất để thực hiện” – Tổng Giám đốc WHO nói.

Một số thông tin đáng chú ý về tình hình dịch bệnh 24 giờ qua

 Từ 6/5, cuộc sống của người dân Hàn Quốc dần quay trở lại bình thường với chiến dịch "giãn cách thường nhật" . (Ảnh: Xinhua)

Những thông điệp trên được người đứng đầu WHO đưa ra trong bối cảnh từ nhiều ngày qua, những diễn biến của đại dịch COVID-19 đã trở thành câu chuyện lớn nhất trên thế giới. Tính đến sáng 7/4, đại dịch đã lan rộng tới 214 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 3.818.577 ca nhiễm; 264.807 ca tử vong và 1.292.295 ca phục hồi. Tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến không đồng đều tại các nước trên thế giới, khi mà tại một số nước, COVID-19 đã có dấu hiệu hạ nhiệt và mọi thứ đang dần quay trở lại bình thường, thì vẫn có những nơi phải chứng kiến sự hoành hành mạnh mẽ của virus.

Hiện Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách các nước bị tác động nặng nề bởi COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 25.060 ca nhiễm bệnh và 2.520 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng các con số ghi nhận được tới thời điểm hiện tại lần lượt là 1.262.693 và 74.791 trường hợp. Mặc dù hơn 1 tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội, song vùng Washington vẫn trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ, trong đó những người Mỹ gốc Latinh hoặc gốc Phi là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo số liệu thống kê, Washington và các bang láng giềng như Maryland và Virginia đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vượt quá 50.000 ca và khoảng 2.300 ca tử vong.

Với 30.911 ca mắc mới trong 24 giờ qua, châu Âu vẫn là “tâm điểm của đại dịch” khi mà tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này đã lên tới 1.524.884 trường hợp, chiếm tới gần 1/4 tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới. Tiếp theo sau đó là khu vực Bắc Mỹ, với 1.375.502 ca mắc COVID-19 ghi nhận được cho tới thời điểm hiện tại.

Trong 24 giờ qua, số các ca nhiễm COVID-19 tại châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục gia tăng, nhiều nhất tại Bangladesh và Nepal, với lần lượt 790 và 17 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân tại hai quốc gia này lên 11.719 và 99 trường hợp.

Từng là một “điểm nóng” trên bản đồ COVID-19 thế giới, song đến nay, Hàn Quốc lại được nhắc tới như một ví dụ điển hình về đẩy lùi dịch bệnh khi mà cuộc sống của người dân đã dần quay trở lại bình thường. Các tuyến phố đã bắt đầu đông đúc trở lại, trong khi việc thực hiện những khuyến cáo về đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm túc.

Trong vòng 24 giờ qua, Hàn Quốc chỉ ghi nhận thêm 2 trường hợp mới nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 10.806 trường hợp. Như vậy, đã 19 ngày liên tiếp, số ca mới mắc COVID-19 tại Hàn Quốc dao động dưới ngưỡng 20 người. Tất cả các ca mắc mới đều ghi nhận từ người nhập cảnh và không còn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực