Đối thoại Shangri-La sẽ thảo luận về tình hình Biển Đông

Thứ sáu, 31/05/2019 11:00
(ĐCSVN) – Hãng thông tấn NHK của Nhật Bản đưa tin, Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ kéo dài 3 ngày (từ 31/5 - 2/6). Một trong những nội dung đáng chú ý của sự kiện năm nay là các bên sẽ tập trung thảo luận về tình hình Biển Đông.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018.
(Ảnh: Independent).


Hôm nay (31/5), Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) sẽ chính thức khai mạc tại Singapore với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ kéo dài 3 ngày (từ 31/5-2/6). Một trong những nội dung đáng chú ý của sự kiện năm nay là các bên sẽ tập trung thảo luận về tình hình Biển Đông.

Dự kiến, tại Đối thoại Shangri-La 2019, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ công bố chiến lược mới của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, gồm cả khả năng đề cập tới các biện pháp nhằm tăng cường sự can dự của Mỹ tại khu vực này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dự kiến sẽ có bài phát biểu “được chờ đợi” vào ngày 2/6. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Đối thoại Shangri-La kể từ năm 2011, sau nhiều lần cử đại diện là những quan chức cấp thấp hơn tới sự kiện này.

NHK cho biết, Đặc phái viên của Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Stephen Biegun cũng sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay và dự kiến sẽ gặp gỡ với các quan chức của Nhật Bản, Hàn Quốc bên lề hội nghị.

Đối thoại Shangri-La 2019 sẽ được mở đầu với bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long. Tờ Straits Times dẫn tin từ ban tổ chức hội nghị cho biết, bài phát biểu của ông Lý Hiển Long sẽ nhấn mạnh tới vai trò của Singapore và các nước nhỏ khác trong việc củng cố trật tự thế giới, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên căng thẳng.

Đối thoại Shangri-La là hội nghị thường niên quy tụ các bộ trưởng và quan chức quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thảo luận về thách thức cùng những vấn đề an ninh nổi cộm trong khu vực, để từ đó có thể cùng đưa ra những giải pháp phù hợp.

Đối thoại Shangri-La được lấy ý tưởng từ Hội nghị An ninh Munich, gồm 27 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Canada, Anh, Pháp, Đức, Australia, New Zealand… Đây cũng là sáng kiến hợp tác giữa Chính phủ Singapore và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh. 

Được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại Shangri-La (Singapore), Đối thoại Shangri-La đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên và trở thành nơi gặp gỡ giữa các quan chức quốc phòng cấp cao và các nhà hoạch định chính sách về an ninh. Mỗi năm, chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La đều được điều chỉnh hướng tới một phạm vi rộng, phản ánh những thách thức về an ninh và quốc phòng đang nổi lên trong khu vực./.

Thu Lan (Theo NHK, IISS, Strait Times)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực