Đức đối mặt làn sóng lây nhiễm mạnh thứ tư

Thứ sáu, 12/11/2021 14:28
(ĐCSVN) – Đức đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 lần thứ tư, mặc dù 2/3 dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Đâu là lý do khiến số ca nhiễm mới tăng lên đáng kể trong những ngày qua?
 Nhân viên y tá chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Đức (Ảnh: Euronews/AP)

Ngày 11/11, Đức ghi nhận hơn 50 nghìn ca nhiễm COVID-19 – con số cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia châu Âu này. Đây là lần đầu tiên Đức phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn mặc dù phần lớn người dân đã được tiêm phòng đầy đủ.

Ảnh hưởng từ việc chưa tiêm chủng

Khoảng 67% người dân Đức đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo ngay từ khi bắt đầu đợt dịch mới là con số này chưa đủ cao để kiểm soát dịch bệnh.

Theo Tiến sĩ Christine Falk, Chủ tịch Hiệp hội Miễn dịch học Đức: Tỷ lệ tiêm vaccine  ở Đức vẫn dưới mức 75% dân số, cùng với  việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tiếp xúc, điều này đã khiến virus lây lan chủ yếu ở nhóm người chưa tiêm chủng.

Theo Viện Robert Koch, tỷ lệ nhập viện đối với những bệnh nhân chưa được tiêm chủng COVID-19 từ 18 đến 59 ở Đức hiện cao hơn khoảng bốn lần so với những người đã được tiêm chủng. Đối với bệnh nhân trên 60 tuổi, con số này cao hơn khoảng sáu lần.

Khả năng miễn dịch suy yếu dần

Mặc dù việc tiêm chủng khiến cho nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn, nhưng điều này không bảo vệ hoàn toàn người dân khỏi việc mắc bệnh. Do vậy, với số ca mắc bệnh tăng vọt, nguy cơ nhiễm COVID-19 cũng tăng lên đối với những người được tiêm chủng. Những người được tiêm chủng dễ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh hơn là những người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt là những người đã qua một thời gian dài tiêm vũi vaccine thứ hai.

Nới lỏng các biện pháp hạn chế

So với đầu năm 2021, Đức đã nới lỏng việc áp dụng các biện pháp giãn cách trong đợt bùng phát làn sóng dịch thứ tư này. Khoảng một năm trước, chính phủ đã đưa ra các biện pháp mạnh mẽ: Tất cả các cơ sở kinh doanh không cần thiết phải đóng cửa và tạm thời áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Đồng thời cũng có những quy định hạn chế về số lượng người tham gia. Cùng với việc triển khai vaccine, những biện pháp này đã khiến tỷ lệ nhiễm COVID-19 của Đức giảm vào mùa xuân.

Biến thể delta dễ lây lan hơn

Năm nay, delta –  một dạng đột biến dễ lây lan hơn của virus corona, đã trở thành biến thể chủ yếu ở Đức và nhiều nơi trên thế giới. Theo Cơ quan kiểm soát dịch bệnh (CDC),  biến thể này dễ lây hơn hai lần so với các biến thể trước đó. Nó cũng có thể khiến những người chưa được tiêm phòng gặp phải các triệu chứng tồi tệ hơn.

Ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết

Một nguyên nhân khác khiến làn sóng dịch thứ tư ở Đức lây lan mạnh là mùa đông đang đến gần. Theo Tiến sĩ Falk, biến thể delta thích thời tiết lạnh, đây cũng là điều kiện để loại virus này lây lan nhanh hơn.

Cũng như Đức, các quốc gia châu Âu khác như Áo, Hà Lan và Bỉ cũng đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt khi các yếu tố này kết hợp với nhau. Tiến sĩ Frank khuyến cáo mọi người thường xuyên đeo khẩu trang và thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên ngay khi các triệu chứng xuất hiện. Nhưng trên hết, bà khuyến khích những người chưa tiêm chủng hãy đi tiêm phòng./.
KG (theo Deutsche Welle, Euronews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực