|
|
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi . (Ảnh: AFP) |
Trong một bức thư gửi tới các thành viên thuộc phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tin tưởng rằng, bản nghị quyết sẽ “Tái khẳng định trách nhiệm giám sát đã được thiết lập từ lâu của Quốc hội bằng việc yêu cầu rằng, nếu không có hành động nào khác từ Quốc hội, thì các hành vi thù địch về quân sự của chính quyền liên quan tới Iran sẽ chấm dứt trong vòng 30 ngày”.
Theo quan điểm của bà Pelosi thì Chính quyền của Tổng thống D.Trump đã tiến hành một cuộc không kích quân sự mang tính chất khiêu khích và không cân xứng nhằm vào các quan chức quân sự cấp cao của Iran. Hành động này đã gây nguy hiểm cho các quân nhân, các nhà ngoại giao và những công dân khác của nước Mỹ bằng việc mạo hiểm đẩy căng thẳng leo thang trong quan hệ với Iran.
Động thái này được thực hiện trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Tehran đang có nguy cơ chạm “lằn ranh đỏ” sau vụ Mỹ ám sát tướng Qasem Soleimani của Iran trong vụ không kích nhằm vào một sân bay ở Baghdad (Iraq) hồi cuối tuần trước. Ngay sau vụ việc trên, Lầu Năm góc xác nhận đã bổ sung 3.500 binh sĩ tới Kuwait nhằm tăng cường khả năng duy trì an ninh tại Trung Đông, đồng thời đặt nhiều đơn vị trong tình trạng sẵn sàng. Theo thông báo của Lầu Năm góc thì việc triển khai lực lượng này là hành động phòng ngừa thích hợp để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng nhằm vào các công dân và cơ sở Mỹ, các binh sĩ cũng sẽ hỗ trợ việc tái thiết lập an ninh khu vực.
Trong một thông báo mới đưa ra, Tổng thống D.Trump cảnh báo nước này sẽ đáp trả nhanh chóng và theo cách không cân xứng nếu Mỹ không kích vào các mục tiêu của Mỹ. Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng lưu ý thêm rằng, trong trường hợp này thì việc đưa ra một thông báo pháp lý trước Quốc hội cũng là điều không cần thiết. Trước đó, ông D.Trump cũng cảnh báo Mỹ đã nhắm mục tiêu vào 52 địa điểm của Iran (con số biểu tượng nhắc nhớ tới vụ 52 con tin người Mỹ bị Iran bắt giữ năm 1979) và sẽ tấn công “rất nhanh và mạnh mẽ” nếu Iran tấn công người Mỹ.
Ngày 6/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã hạ thấp lời cảnh báo trên của người đứng đầu Nhà Trắng và nhấn mạnh thêm rằng “Mỹ đừng bao giờ đe dọa dân tộc Iran”. Ông Rouhani nêu rõ, nếu Mỹ đã nhắc tới con số 52 thì cũng nên nhớ tới con số 290. Đây là số người đã thiệt mạng trong vụ tuần dương hạm USS Vincennes của Hải quân Mỹ bắn tên lửa vào chiếc Airbus A300B2 của Iran năm 1988 và trong số này có tới 66 trẻ em.
Cùng ngày, Chuẩn tướng Kioumars Heydari - Chỉ huy lực lượng mặt đất của quân đội Iran cũng cho rằng, Mỹ đã đe dọa nước Cộng hòa Hồi giáo này từ 40 năm qua và những lời đe dọa gần đây mà ông D.Trump nhắm vào Iran “không mang ý nghĩa gì ngoài một lời lừa phỉnh”.
Trong bối cảnh trên, nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và giảm căng thẳng trước nguy cơ Trung Đông bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng mới.
Ngày 6/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng các công ước quốc tế về bảo vệ các tài sản văn hóa khi thảo luận về tình hình Trung Đông với Đại sứ Iran tại tổ chức này – ông Ahmad Jalali. Nhân cuộc gặp, ông Azoulay đã nhắc lại các điều khoản trong Công ước 1954 về bảo vệ các tài sản văn hóa trong trường hợp xung đột vũ trang và Công ước 1972 liên quan tới bảo vệ các di sản tự nhiên và di sản văn hóa thế giới. Đây là hai công cụ pháp lý đã được cả Mỹ và Iran phê chuẩn.
Bên cạnh đó, ông Azoulay cũng nhấn mạnh tới những nội dung trong bản nghị quyết 2347 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 2017, lên án các hành vi phá hủy di sản văn hóa, đồng thời nhấn mạnh rằng tính phổ quát của di sản văn hóa và di sản tự nhiên chính là công cụ điều hướng hòa bình và đối thoại giữa các dân tộc, và cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải bảo vệ và bảo tồn cho các thế hệ tương lai./.