Iran đề xuất phương thức thanh toán các hợp đồng năng lượng với Nga

Thứ sáu, 15/01/2010 00:20
(ĐCSVN)Ngày 13/1, hãng thông tấn Ria Novosti trích lời Thứ trưởng Dầu mỏ Iran Hossein Noghrehkar Shirazi, trong đó ông kêu gọi Nga và Iran sử dụng đồng nội tệ của hai nước trong các dự án hợp tác khí đốt và dầu mỏ, đồng thời xem đây là một phần trong các chương trình đối thoại song phương về kế hoạch hợp tác năng lượng dài hạn.


 Nga và Iran hiện đang theo đuổi nhiều dự án lớn về
hợp tác năng lượng
(Ảnh: Ria Novosti)

“Chúng tôi muốn Nga và Iran sử dụng đồng tiền của hai nước trong các dự án hợp tác…Biện pháp này sẽ giúp cho các công tác tài chính của các dự án lớn được thực hiện một cách dễ dàng”, ông Shirazi nói.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, động thái này của Iran được xem là một nỗ lực nhằm tìm kiếm một đồng tiền giao dịch thay thế cho đồng USD của Mỹ vốn đã bị suy yếu bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như giảm tính phụ thuộc vào đồng bạc xanh với vị trí là một đồng tiền dự trữ chính trên thế giới.

Hiện ông Shirazi đang tham dự một cuộc họp của nhóm làm việc Nga-Iran về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực khí đốt, dầu mỏ và hoá dầu tại Moscow. Tại sự kiện này, đại diện hai bên dự định sẽ vạch ra một kế hoạch cụ thể cho vấn đề hợp tác năng lượng giữa Nga và Iran trong vòng 30 năm tới.

Bên cạnh đó, ông Shirazi cũng cho biết, Iran đã lên kế hoạch nhằm tăng gấp đôi sản lượng khí đốt trong vòng 5 năm tới, lên 1 tỷ mét khối/ngày; tăng sản lượng dầu mỏ từ 1 triệu thùng/ngày lên 5 triệu thùng ngày cũng như xây dựng một số nhà máy hoá dầu và lọc dầu mới.

Về phần mình, Thứ trưởng Năng lượng Nga Sergei Kudryashov cho biết, Nga và Iran – hai nước hiện đang chiếm tới 18% trữ lượng dầu mỏ và 40% trữ lượng khí đốt trên toàn thế giới hiện “đang nỗ lực hợp tác nhằm hoàn thiện các dự án trên quy mô lớn”.

Bên cạnh đó, ông Kudryashov cũng cho hay, các công ty năng lượng lớn của Nga gồm Gazprom Neft, Gazprom, Sibur và công ty đồ án thiết kế tổng hợp trong lĩnh vực năng lượng Stroytransgaz đang tham gia vào nhiều vòng đàm phán với Iran.

Iran hiện là một trong những nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm phần lớn trong tổng giá trị xuất khẩu mỗi năm năm. Trong vài năm qua, nước này đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào USD trong bối cảnh phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng của Mỹ đối với hệ thống tài chính Iran. Cụ thể, ngân hàng Trung ương Iran đã giảm dự trữ ngoại tệ bằng USD. Thậm chí Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng đã từng lên tiếng thúc giục các thành viên OPEC lập một ngân hàng chung và sử dụng một số đồng tiền khác ngoài USD để định giá dầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Việc không mặn mà với đồng USD trong bối cảnh đồng tiền này mất giá, kinh tế Mỹ suy yếu, là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran đang căng thẳng chung quanh vấn đề hạt nhân, động thái này của Iran được đánh giá là có thể làm quan hệ song phương thêm tồi tệ. Báo chí phương Tây từng cho rằng, một trong những lý do Mỹ tấn công Iraq trước đây, là do chính quyền nước này định loại bỏ đồng USD trong giao dịch dầu lửa, điều này có thể khiến một loạt nước khác có hành động tương tự, gây tổn hại kinh tế Mỹ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực