Lạm phát tại Eurozone có thể kéo dài hơn dự kiến

Thứ ba, 08/02/2022 18:42
(ĐCSVN) – Ngày 7/2, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ kéo dài hơn so với dự kiến, tuy nhiên sẽ giảm dần trong năm 2022.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde. (Ảnh: hurriyetdailynews.com)

Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ của Nghị viện châu Âu, bà Lagarde cho biết nguy cơ lạm phát có thể sẽ cao hơn so với các dự tính của ECB hồi tháng 12/2021, đặc biệt là trong ngắn hạn.

Lạm phát gia tăng tại châu Âu thời gian qua chủ yếu là do giá khí đốt và giá điện tăng vọt. Bên cạnh đó, giá thực phẩm cũng tăng mạnh mà phần lớn là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Giá cả không ngừng leo thang trong thời gian gần đây đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và làm xáo trộn thị trường tài chính châu Âu. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, sự mở cửa trở lại nhanh chóng cũng như sự phục hồi ngoài dự kiến của các nền kinh tế sau đại dịch đã dẫn đến việc giá nhiên liệu, khí đốt và điện năng tăng mạnh.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cho biết không cần thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong khu vực Eurozone vì lạm phát có thể giảm và duy trì ổn định quanh mức 2%.

Theo ECB, cuộc họp chính sách ngày 10/3 tới đây sẽ đưa ra quyết định việc Ngân hàng Trung ương sẽ kết thúc hoạt động mua trái phiếu trong năm 2022 hay không, nhưng cam kết sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ chưa từng có cho đến hết năm nay.

Trước đó, số liệu chính thức ngày 2/2 cho thấy tỷ lệ lạm phát tại khu vực Eurozone đã bất ngờ tăng lên 5,1% trong tháng 1/2022, mức cao kỷ lục kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu này năm 1997, cao hơn 0,1% so với mức của tháng 12/2021 và cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của ECB.

Chủ tịch ECB nhận định đại dịch kéo dài có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng trong đầu năm 2022. Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và chi phí năng lượng cao cũng sẽ làm giảm hoạt động kinh tế trong ngắn hạn. Theo bà Christine Lagarde, giá năng lượng vẫn là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao. 

Tuy nhiên, không chỉ với Eurozone, lạm phát đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại châu Mỹ, châu Á và hầu hết các thị trường mới nổi, lạm phát hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Hiện tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang cao gấp 2 lần mức mục tiêu 2% mà Cục Dữ trữ Liên bang (FED) đề ra. Lạm phát leo thang có thể khiến FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến.

Trong một phát biểu, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, khi nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại, sự thay đổi về nhu cầu có thể lớn và nhanh chóng, và những trở ngại, khó khăn trong tuyển dụng cũng như các ràng buộc khác có thể tiếp tục hạn chế mức độ điều chỉnh nhanh chóng của nguồn cung khiến khả năng lạm phát có thể trở nên cao hơn và dai dẳng hơn./.

H.Hà (Theo CNBC, Bloomberg)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực