|
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Xinhua) |
Trong bài phát biểu trực tuyến công bố báo cáo Hiện trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trên Thế giới năm 2024, người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết, báo cáo năm nay mang 2 thông điệp quan trọng.
Thông điệp đầu tiên là nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng vẫn là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Điều này có nghĩa là SDG 2 - mục tiêu xóa sổ nạn đói của thế giới “đã đi chệch hướng”.
Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, cuộc chiến chống nạn đói trên toàn thế giới đã bị lùi lại 15 năm, khiến khoảng 733 triệu người, tương đương khoảng 9% dân số thế giới phải đối mặt với nạn đói vào năm 2023. Theo số liệu đưa ra trong báo cáo, trong năm 2023, thế giới có từ 713 triệu đến 757 triệu người bị suy dinh dưỡng, tăng 152 triệu người so với năm 2019.
Thông điệp thứ hai được người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra đó là "chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này", trong đó tài chính đóng vai trò là “chìa khóa”.
Theo lập luận của ông Guterres, tuy chỉ là một phần trong bài toán chuyển đổi hệ thống thực phẩm, song tài chính lại đóng vai trò thiết yếu để giúp các quốc gia xây dựng và nâng cấp hệ thống thực phẩm với tốc độ và quy mô cần thiết.
Người đứng đầu Liên hợp quốc lưu ý, chỉ khoảng 1/3 quốc gia thu nhập thấp và trung bình có đủ các lựa chọn tài chính cho lương thực và dinh dưỡng. Trong khi đó, tất cả các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lại “dễ bị tổn thương” trước những cú sốc kinh tế, xung đột và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
“Nạn đói không có chỗ đứng trong thế kỷ 21”
|
Gần 1/4 dân số Mali đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc cấp tính.
(Ảnh: UNICEF) |
Đề cập tới mục tiêu SDG 2, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) - ông Maximo Torero cảnh báo, nếu các xu thế hiện nay tiếp diễn, sẽ có khoảng 582 triệu người bị suy dinh dưỡng mãn tính vào năm 2030, với hơn một nửa trong số đó ở châu Phi. Bất chấp những tiến bộ đạt được trong việc chống lại tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, mức độ nạn đói trên toàn cầu vẫn không thay đổi trong ba năm liên tiếp.
Từ những thực tế nêu trên, ông Guterres kêu gọi nỗ lực nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng đầu tư vào các hệ thống lương thực đổi mới và bền vững, đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính ưu đãi ngắn hạn và dài hạn, đầu tư, hỗ trợ ngân sách và giảm nợ. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, để các quốc gia đang phát triển có vai trò đại diện tốt hơn và có thể tiếp cận nguồn tài chính đầy đủ để đạt được mục tiêu của mình.
“Nạn đói không có chỗ đứng trong thế kỷ 21” - ông Guterres khẳng định, đồng thời chỉ ra rằng, mục tiêu hướng tới một thế giới không còn nạn đói mà SDG 2 đưa ra không chỉ cần thiết mà đó là điều chúng ta có thể đạt được.
Báo cáo hiện trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trên Thế giới năm 2024: Tài trợ để chấm dứt nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức được xuất bản bởi 5 cơ quan của Liên hợp quốc gồm: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD)./.