|
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các khu vực châu Âu, Trung Á và châu Mỹ, ông Miroslav Jenca (giữa) phát biểu trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về căng thẳng Armenia - Azerbaijan, ngày 15/9/2022. (Ảnh: Xinhua) |
Ông Jenca cho rằng cộng đồng quốc tế phải duy trì cam kết đầy đủ về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, tận dụng mọi nỗ lực để xoa dịu căng thẳng hiện tại, đưa các bên quay trở lại bàn đàm phán và giúp họ đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, các bên phải tuân thủ nghĩa vụ triển khai đầy đủ lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 11/2020 do Nga khởi xướng. “Chúng tôi kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán và thực hiện các bước đi cần thiết để ký kết một hiệp ước hòa bình lâu dài” – ông Jenca nói, đồng thời khẳng định điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên đưa ra thông điệp thống nhất để các bên tập trung vào giải pháp ngoại giao.
Theo ghi nhận của ông Jenca, vào đêm ngày 12/9, các nhà chức trách Armenia và Azerbaijan đều báo cáo về các vụ giao tranh ác liệt xảy ra ở khu vực biên giới quốc tế của hai nước. Các báo cáo cho biết, pháo binh hạng nặng, máy bay không người lái và vũ khí cỡ nòng lớn đã được sử dụng trong các cuộc giao tranh kéo dài đến hết ngày 13 và 14/9. Vào tối ngày 14/9, Liên hợp quốc đã nhận được thông báo về việc các bên đã nhất trí một lệnh ngừng bắn. “Chúng tôi hoan nghênh thỏa thuận này, và hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ được duy trì ” – ông Jenca nói.
Cũng theo ông Jenca, vào đầu tuần, Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố rằng phía Azerbaijan đang nhắm mục tiêu tấn công vào các vị trí quân sự của Armenia, cũng như cơ sở hạ tầng dân sự của nước này ở các vùng Gegharkunik, Vayots Dzor và Syunik. Ông Jenca cho biết, vào tối ngày 14/9, Armenia đã báo cáo về trường hợp 105 binh sĩ và 6 thường dân thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.
Trong khi phía Armenia coi vụ việc là một cuộc tấn công có chủ ý, thì Azerbaijan lại phản bác rằng đó là "hành động trả đũa" nhằm phản ứng trước sự khiêu khích từ Armenia. Trích dẫn báo cáo từ Azerbaijan, ông Jenca cho biết, nước này ghi nhận 71 quân nhân thiệt mạng và 2 thường dân bị thương trong các cuộc đụng độ với nước láng giềng Armenia.
Trước tình huống trên, ông Jenca nhấn mạnh, Liên hợp quốc không ở vị trí xác minh cụ thể những báo cáo từ cả phía Armenia và Azerbaijan. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về sự leo thang nguy hiểm này, bao gồm cả những hậu quả có thể xảy ra đối với dân thường. Chúng tôi đã kêu gọi các bên thực hiện các bước đi cụ thể và ngay lập tức để giảm leo thang căng thẳng” – Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc nói.
|
Một ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan, tại Sotk, Armenia, ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra từ cuối năm 2020, những ngày gần đây, xung đột có dấu hiệu bùng phát trở lại tại khu vực biên giới Armenia – Azerbaijan, đánh dấu một nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” kéo dài hàng thập kỷ giữa hai láng giềng vùng Trung Á. Ông Jenca cho rằng, vụ đụng độ mới nhất đã cho thấy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan tiếp tục bị cản trở nghiêm trọng. Diễn biến leo thang này cũng đồng thời nhấn mạnh tính cần thiết của việc thúc đẩy tiến trình phân định, cắm mốc dựa trên khuôn khổ các bên cùng thừa nhận toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình. Liên hợp quốc kêu gọi các bên tận dụng cơ chế quan trọng này như một bước cần thiết để hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới.
Ông Jenca lưu ý, đụng độ bùng phát trong tuần này cũng là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan có nguy cơ gây mất ổn định khu vực. Điều này đã nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các bên (gồm cả trong và ngoài khu vực) cần hành động mang tính xây dựng và thúc đẩy hai láng giềng hướng tới một giải pháp hòa bình.
“Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục duy trì cam kết hướng tới một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp kéo dài, không ngừng nỗ lực xoa dịu căng thẳng hiện tại, đưa các bên trở lại bàn đàm phán và giúp họ đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực” – Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc nói./.