Mỹ giảm mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc

Thứ tư, 09/08/2023 14:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 8/8 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 203 tỷ USD từ Trung Quốc, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 203 tỷ USD từ Trung Quốc, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: businessworld.in)

Với giá trị xuất khẩu sang Mỹ như trên, Trung Quốc hiện chỉ là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 3 cho Mỹ, sau Mexico và Canada. Hiện, nhập khẩu hàng hóa từ Mexico vào Mỹ đã tăng 5,4% trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, tỷ trọng hàng hóa của Trung Quốc trong tổng nhập khẩu của Mỹ nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 13,3%, giảm so với mức 16,5% hồi năm ngoái và mức cao nhất 21,6% được ghi nhận trong năm 2017.

Hiện tại, các công ty của Mỹ đang tìm kiếm lựa chọn thay thế các nhà sản xuất Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. 

Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong hơn 1 thập niên qua, Trung Quốc luôn giữ vị trí là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ, với thương mại song phương đạt đỉnh điểm vào năm ngoái khi kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đạt 690,6 tỷ USD, phá vỡ mức kỷ lục cũ được thiết lập vào năm 2018.

Mới đây, số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc cho thấy, kim ngạch thương mại của nước này trong tháng 7, bao gồm cả xuất khẩu và nhập khẩu, đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, Trung Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 giảm 14.5%, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 12.4% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường lớn đều giảm mạnh. Trong đó, đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm 23,1% và Liên minh châu Âu (EU) cũng giảm 20,6%. Xuất khẩu sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giảm 21,4%.

Việc kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong những tháng gần đây, kết hợp với tiêu dùng nội địa yếu, đang làm gia tăng sức ép với đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế, bao gồm kích cầu tiêu dùng các mặt hàng như điện tử và ô tô, giảm lãi suất cho vay trên thị trường bất động sản./.

H.Hà (Theo Reuters, Politico)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực