Thế giới tuần qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3

Chủ nhật, 12/03/2023 08:40
(ĐCSVN) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3; Ukraine đàm phán gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc; Triều Tiên phóng tên lửa trước thềm cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn; Tấn công khủng bố tại Nigeria, ít nhất 37 người thiệt mạng;… là một trong số các sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (6-12/3).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3

 Đồng chí Tập Cận Bình tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ 3 tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh ngày 10/3. (Ảnh: AFP)

Với tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối (2.952/2.952 phiếu bầu), tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV ở Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, sáng 10/3, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc.

Các đại biểu cũng bầu Ủy viên Thường Vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế làm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân Đại (Chủ tịch Quốc hội) khóa XIV, và bầu nguyên Phó Thủ tướng Hàn Chính làm Phó Chủ tịch Trung Quốc, đều với số phiếu tuyệt đối 2.952/2.952. Trước đó, các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua quyết định phương án cải cách cơ cấu Quốc Vụ viện (Chính phủ Trung Quốc).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sinh năm 1953, quê quán: huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây; tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận chủ nghĩa Mác và giáo dục chính trị tư tưởng tại Viện Xã hội nhân văn, Trường Ðại học Thanh Hoa; có bằng tiến sĩ luật. Đồng chí gia nhập Ðảng Cộng sản Trung Quốc năm 1974 và từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Phúc Kiến; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Chiết Giang; Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Hiệu trưởng Trường Ðảng Trung ương, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đồng chí là Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng khóa 15, Ủy viên Trung ương Ðảng các khóa 16 đến 20, Bí thư Ban Bí thư khóa 17, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị các khóa 17 đến 20.

Tại Hội nghị Trung ương 1 khóa 18 tháng 11/2012, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 3/2013, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tại Hội nghị Trung ương 1 khóa 19 tháng 10/2017, đồng chí tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 3/2018, đồng chí tiếp tục được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tại Hội nghị Trung ương 1 khóa 20 tháng 10/2022, đồng chí tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cũng trong sáng 11/3, trong phiên họp toàn thể lần thứ 4 Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc khóa XIV, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Cường đã được bầu làm Thủ tướng Trung Quốc, thay đồng chí Lý Khắc Cường. 

Ukraine đàm phán gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Các tàu chở hàng theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đang chờ kiểm tra tại khu neo đậu phía Nam của Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11/12/2022. (Ảnh: Reuters) 

Ngày 7/3, một nguồn tin cấp cao trong Chính phủ Ukraine cho biết, nước này đã bắt đầu cuộc đàm phán trực tuyến với các đối tác về việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm đảm bảo Kiev có thể tiếp tục vận chuyển ngũ cốc ra thị trường toàn cầu.

Theo nguồn tin trên, Ukraine không tổ chức cuộc thảo luận với Nga, tuy nhiên chính quyền Kiev hiểu rằng các đối tác của họ đang thảo luận với phía Moskva.

Dưới vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 7/2022, Nga và Ukraine đã ký kết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen giúp nối lại việc cung cấp lương thực và phân bón từ 2 nước này ra thị trường toàn cầu. Thỏa thuận đã được gia hạn vào tháng 11/2022 và sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/3 tới, trừ khi các bên đồng ý gia hạn.

Hiện các đại diện của Liên hợp quốc và Thỗ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi nhiều cuộc tiếp xúc để duy trì hiệu lực của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Việc duy trì thỏa thuận được coi là một bước đi quan trọng giúp các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu không bị gián đoạn bởi cả Ukraine và Nga, vốn đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới. Tình trạng các cảng của Ukraine bị phong tỏa cùng với việc thực hiện các lệnh trừng phạt kiềm chế hoạt động xuất khẩu một số loại ngũ cốc và phân bón của Nga đã đẩy giá lương thực toàn cầu tăng vọt, khiến các nỗ lực viện trợ nhân đạo trên toàn thế giới đối mặt với nguy cơ gián đoạn.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận đã góp phần hạ nhiệt giá thực phẩm thế giới và cải thiện tình hình an ninh lương thực. “Các hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón từ Ukraine và Nga đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh lương thực và giá lương thực toàn cầu” – ông Guterres nói.

Triều Tiên phóng tên lửa trước thềm cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn

Một vụ phóng thử tên lửa tại địa điểm bí mật của Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiều ngày 9/3, Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển Hoàng Hải. Động thái này diễn ra trước cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết đã phát hiện vụ phóng từ thành phố cảng Nampo (miền Tây Triều Tiên) vào lúc 18h20. Trong thông cáo báo chí, JCS nêu rõ trong khi tăng cường theo dõi, quân đội Hàn Quốc duy trì sự sẵn sàng ứng phó với sự phối hợp của Mỹ

Vụ phóng mới nhất diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận Lá chắn Tự do (Freedom Shield) từ ngày 13 - 23/3. Cuộc tập trận sẽ được tiến hành song song với diễn tập quy mô lớn mang tên Lá chắn Chiến binh (Warrior Shield).

Cùng ngày, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã thị sát cuộc tập trận tấn công hỏa lực của đơn vị pháo binh Hwasong chịu trách nhiệm tác chiến tại mặt trận phía Tây của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA). Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã chỉ đạo thực địa và theo dõi cuộc tập trận trên. Cuộc tập trận được tiến hành nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng tác chiến của đơn vị.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un yêu cầu quân đội nước này duy trì và rèn luyện thường xuyên sức mạnh để sẵn sàng ứng phó và ngăn chặn nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.

Tháng trước, Bình Nhưỡng đã cảnh báo Seoul và Washington sẽ đối mặt với sự đáp trả mạnh "chưa từng thấy" nếu tiến hành các kế hoạch tập trận chung trong năm nay.

Tấn công khủng bố tại Nigeria, ít nhất 37 người thiệt mạng

Binh sỹ và cảnh sát tuần tra tại làng Dalori, bang Borno (Nigeria). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng dân quân địa phương Nigeria ngày 9/3 cho biết một vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại bang Borno, miền Đông Bắc nước này, trong đó các phần tử thánh chiến đã sát hại ít nhất 37 dân thường đều là ngư dân.

Các nguồn thạo tin cho biết tối 8/3, hàng chục đối tượng được cho là thuộc nhóm Boko Haram đã xả súng vào các ngư dân bên ngoài làng Guggo, cách thị trấn Dikwa khoảng 18km. Chỉ huy nhóm lực lượng dân quân Babakura Kolo cho biết họ đã tìm thấy thi thể của 37 ngư dân dọc theo bờ sông và khu vực lân cận. Theo ông Kolo, đây chưa phải con số cuối cùng do lực lượng của ông vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những người thiệt mạng. Hai nguồn tin khác cũng xác nhận số người thiệt mạng trên.

Quân đội và chính quyền địa phương đều chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc. Nigeria đang đối mặt với rủi ro từ các cuộc tấn công do nhóm phiến quân Boko Haram và "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng nhánh Tây Phi (ISWAP) gây ra. Các phần tử cực đoan này thường tấn công những người dân địa phương nhằm cướp bóc, hoặc do cho rằng những người dân này thực hiện nhiệm vụ do thám cho các lực lượng quân sự, dân quân. ISWAP và Boko Haram đã mở rộng tấn công sang các quốc gia khác trong lưu vực Hồ Chad. 

Theo các báo cáo an ninh của Liên hợp quốc, trong hơn một thập kỷ hoạt động, Boko Haram đã gây ra những thách thức lớn về nhân đạo và an ninh ở khu vực trên, trong đó tình trạng bạo lực do các nhóm thánh chiến có liên hệ với IS tự xưng tại Đông Bắc Nigeria gây ra đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng và khoảng 2 triệu người khác phải di tản.

Ông R.Grossi được tái bổ nhiệm làm Tổng giám đốc IAEA

Ông R.Grossi được tái bổ nhiệm làm Tổng giám đốc IAEA. (Ảnh: IAEA) 

Ngày 10/3, Hội đồng Thống đốc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tái bổ nhiệm ông Rafael Grossi làm Tổng giám đốc của cơ quan này trong nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 4 năm.

Trong một tuyên bố, IAEA cho biết quyết định trên được Hội đồng Thống đốc gồm 35 quốc gia thành viên IAEA thông qua tại một cuộc họp định kỳ hằng quý. Việc tái bổ nhiệm ông Grossi sẽ cần sự chấp thuận của tất cả 176 quốc gia thành viên IAEA tại Phiên họp Đại hội đồng thường niên của cơ quan này vào tháng 9 tới.

Ông Grossi, 62 tuổi, dự kiến bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào đầu tháng 12 năm nay. Ông lần đầu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc IAEA từ tháng 12/2019.

Phát biểu sau khi được tái bổ nhiệm nhiệm kỳ thứ hai, ông Grossi cam kết nỗ lực hết sức để thực hiện sứ mệnh quan trọng của IAEA là đóng góp cho hòa bình và sự phát triển trên toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Ông Grossi là Tổng giám đốc thứ 6 của IAEA kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1957. Ông là nhà ngoại giao với 35 năm kinh nghiệm về lĩnh vực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân./.

 

 

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực