Thế giới tuần qua: Nắm lấy thời cơ đẩy lùi đại dịch

Chủ nhật, 18/09/2022 08:43
(ĐCSVN) – Tổng Giám đốc WHO cho rằng thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều nước đóng cửa Đại sứ quán ở Haiti; xảy ra giao tranh ở khu vực biên giới Azerbaijan - Armenia; vụ giẫm đạp tại Guatemala; nạn đói cấp tính tăng 123% trong vòng 6 năm;… là một số tin tức thế giới đáng chú ý trong tuần qua (12-18/9).

Thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19

Ngày 14/9, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 hằng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 và ông kêu gọi thế giới nắm lấy cơ hội để chấm dứt đại dịch. Ông nhấn mạnh hiện đang là thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19 và mục tiêu này hoàn toàn trong tầm tay.

 Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Rwanda (Ảnh: WHO)

Theo bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần của WHO được công bố hôm 14/9, hơn 3,1 triệu người trên toàn thế giới đã mắc COVID-19 trong tuần qua và khoảng 11.000 người đã tử vong. Số ca nhiễm bệnh giảm 28% so với 7 ngày trước trong khi số ca tử vong giảm 22%.

Ông Tedros nhấn mạnh rằng WHO đã làm việc kể từ cuối năm 2019 để chống lại sự lây lan của COVID-19 và sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi đại dịch "thực sự kết thúc". Dù cho rằng sẽ có những làn sóng lây nhiễm trong tương lai nhưng quan chức WHO khẳng định thế giới đã có trong tay những công cụ như vaccine phòng bệnh, thuốc chữa bệnh để ngăn chặn bệnh trở nặng.

Trong khi đó, cập nhật về tình hình số ca mắc COVID-19, theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info sáng ngày 18/9, trong 24 giờ qua thế giới ghi nhận thêm 325.828 ca nhiễm, 863 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 616.841.286 ca, trong đó 6.521.419 ca tử vong và 594.223.541 ca đã được chữa khỏi.

Nhiều nước đóng cửa Đại sứ quán ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti

Trước lo ngại về tình hình an ninh bất ổn, nhiều nước đã đóng cửa Đại sứ quán ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti.

Người dân biểu tình trên đường phố ở Haiti. (Ảnh: AP) 

Đại sứ quán Pháp tại Haiti đưa ra thông báo đối với công dân Pháp tại Haiti rằng, tình hình đang ngày càng xấu đi ở Port-au-Prince và các tỉnh. Đại sứ quán khuyến cáo nên hạn chế đi lại, trừ trường hợp thật sự cần thiết; đồng thời phải hết sức cẩn thận trong mỗi chuyến đi và chuẩn bị sẵn sàng các nhu yếu phẩm tại nhà. Tình hình an ninh bất ổn buộc phải đóng cửa các dịch vụ của Đại sứ quán cho người dân ngay từ bây giờ và cho đến khi có thông báo mới.

Đại sứ quán Canada cho biết, do các sự kiện ở Port-au-Prince, các dịch vụ phục vụ công chúng của Đại sứ quán Canada tại Haiti sẽ đóng cửa từ thứ Tư, ngày 14/9.

Đại sứ quán Mexico thông báo, do tình hình bạo lực và mất an ninh, Đại sứ quán sẽ vẫn đóng cửa trong tuần này cho đến khi có thông báo mới. Cũng với lý do tương tự, Đại sứ quán Cộng hòa Dominica, Đại sứ quán Tây Ban Nha thông báo tạm đóng cửa cho đến khi có thông báo mới do mức độ an toàn nơi công cộng ở Haiti đang giảm sút.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nổ ra các cuộc biểu tình ở Haiti, bao gồm cả phong tỏa đường sá, khiến hoạt động giao thông công cộng bị tê liệt, nhiều cửa hàng và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do lo ngại bị cướp phá.

Trước đó, ngày 11/9, Thủ tướng Haiti Ariel Henry cho biết nước này không còn ngân sách để tiếp tục trợ cấp giá nhiên liệu, đồng thời nhận định giá xăng và các loại nhiên liệu khác sẽ tăng gần gấp đôi, từ khoảng 350 gourdes (2,9 USD) lên gần 670 gourdes (5,5 USD).

Giao tranh Azerbaijan - Armenia lại tiếp diễn

Sáng 13/9, truyền thông nước ngoài đưa tin các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa quân đội Azerbaijan và Armenia tiếp tục tái diễn ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, đánh dấu bước leo thang mới trong quan hệ căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ giữa hai láng giềng vùng Capcaz. Hiện cả Armenia và Azerbaijan đều đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân ban đầu khơi mào cho các cuộc đụng độ.

Một ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan, tại Sotk, Armenia, ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)  

Trong phiên họp bất thường diễn ra theo hình thức trực tuyến, ngày 13/9, Hội đồng tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã quyết định cử một phái đoàn do Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas dẫn đầu tới Armenia để đánh giá tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới nước này với Azerbaijan.

Trong khi đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/9, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các khu vực châu Âu, Trung Á và châu Mỹ, ông Miroslav Jenca đã nhấn mạnh tính cần thiết của một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Ông Jenca cho rằng cộng đồng quốc tế phải duy trì cam kết đầy đủ về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, tận dụng mọi nỗ lực để xoa dịu căng thẳng hiện tại, đưa các bên quay trở lại bàn đàm phán và giúp họ đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trước bối cảnh trên, cộng đồng thế giới đã kêu gọi hai quốc gia láng giềng vùng Capcaz kiềm chế, tránh đẩy tình hình tiếp tục leo thang căng thẳng.

Nhiều thương vong trong vụ giẫm đạp tại Guatemala

Ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương khi một vụ giẫm đạp xảy ra sau buổi hòa nhạc được tổ chức ngày 15/9 nhân 201 năm ngày độc lập ở miền Tây Guatemala.

 Hiện trường sau vụ giẫm đạp đáng tiếc xảy ra ở Guatemala ngày 15/9. (Ảnh: AP)

Truyền thông địa phương đưa tin, các nạn nhân được cho là bị giẫm đạp dẫn đến thiệt mạng khi hàng nghìn người ùn ùn rời khỏi địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc ngoài trời, gây ra cảnh nhốn nháo và hỗn loạn. Nhiều nhân chứng cho biết, trời mưa khiến đường đi có nhiều bùn đất và các lối ra vào hẹp có thể là nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc nói trên.

Hội Chữ thập Đỏ Guatemala và các nhân viên cứu hỏa tình nguyện đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, hỗ trợ 20 người bị thương và đưa 9 thi thể ra bên ngoài. Lực lượng cứu hộ cho biết, những người thiệt mạng đều bị đa chấn thương.

Giới chức Guatemala cho biết, các công tố viên đang thu thập thông tin và tiến hành điều tra vụ việc. Cơ quan pháp y của nước này cũng đã kích hoạt 4 nhà xác để phục vụ công tác khám nghiệm tử thi.

Buổi hòa nhạc là một trong số các hoạt động kỷ niệm nhân ngày độc lập của Guatemala. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua Guatemala kỷ niệm ngày độc lập do 2 năm trước không thể tổ chức vì đại dịch COVID-19.

Nạn đói cấp tính tăng 123% trong vòng 6 năm 

Tuần qua, tổ chức Oxfam đã đưa ra phân tích "Đói trong một thế giới đang nóng lên" cho thấy, nạn đói cấp tính đã tăng 123% trong vòng 6 năm ở 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

 Người dân Somalia dời khỏi các khu vực bị hạn hán tới khu trại tạm ở ngoại ô Mogadishu, Somalia, ngày 30/6/2022. (Ảnh: AP)

Các quốc gia gồm Somalia, Haiti, Djibouti, Kenya, Niger, Afghanistan, Guatemala, Madagascar, Burkina Faso và Zimbabwe đã liên tục bị tàn phá bởi thời tiết khắc nghiệt trong hai thập kỷ qua.

Ước tính có khoảng 48 triệu người trên khắp các quốc gia này bị đói cấp tính, được định nghĩa là đói do một cú sốc gây rủi ro cho cuộc sống và sinh kế dựa trên các báo cáo do Chương trình Lương thực Thế giới tổng hợp. Con số này tăng từ 21 triệu người vào năm 2016.

Báo cáo thừa nhận sự phức tạp xung quanh nguyên nhân của nạn đói toàn cầu, trong đó xung đột và gián đoạn kinh tế, bao gồm cả ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, vẫn là những lý do chính.

"Thời tiết khắc nghiệt và ngày càng tồi tệ này đang ngày càng làm mất đi khả năng của những người nghèo, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp trong việc ngăn chặn nạn đói và đối phó với cú sốc tiếp theo", theo báo cáo.

Oxfam nhấn mạnh rằng nạn đói do khí hậu gây ra là một "minh chứng rõ ràng cho sự bất bình đẳng toàn cầu", với các quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất đối với cuộc khủng hoảng khí hậu lại phải hứng chịu tác động của nó nhiều nhất. Các quốc gia công nghiệp phát triển gây ô nhiễm như G20 chịu trách nhiệm cho hơn 3/4 lượng khí thải carbon của thế giới, trong khi 10 điểm nóng về khí hậu nói trên chỉ góp phần 0,13%../.

 

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực