Thế giới vượt mốc 2,5 triệu ca nhiễm COVID-19

Thứ tư, 22/04/2020 08:13
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.infor, tính đến 8 giờ sáng ngày 22/4 (giờ Việt Nam), đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã lan sang 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 2.552.491 người lây nhiễm, trong đó 177.234 người tử vong, 688.430 ca đã phục hồi.

Đại dịch COVID-19: Số ca nhiễm sắp chạm ngưỡng 2,5 triệu người

Nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Langone thuộc thành phố New York, Mỹ ngày 21/4.
(Ảnh: Reuters) 

Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 816.385 ca nhiễm và 45.174 ca tử vong, tiếp đó là Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức, Anh…

Tại New York, nơi được coi là "tâm chấn" của dịch COVID-19 tại Mỹ, ngày 21/4, giới chức nước này ghi nhận đã có thêm 480 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số các ca tử vong tại đây lên 14.828 trường hợp.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, số người nhập viện vì COVID-19 trong những ngày qua đã giảm và số ca phải điều trị tích cực cũng giảm. Ông Cuomo cho biết sẽ cân nhắc nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế tại một số khu vực tại bang này.

Tại châu Âu, ngày 21/4, giới chức Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 3.968 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 204.178 người. Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha, nước này đã chứng kiến sự tăng nhẹ về số ca tử vong do dịch COVID-19 khi ghi nhận 430 bệnh nhân tử vong trong 24 giờ qua. Cho đến nay, 21.282 người đã không qua khỏi dịch bệnh ở Tây Ban Nha, nước có số ca tử vong nhiều thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Italy.

Tại Italy, đến nay nước này ghi nhận đã có 183.957 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 24.648 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 2.729 ca nhiễm mới và 534 ca tử vong. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 20/4, Chính phủ Italy đã quyết định lùi thời gian tổ chức các cuộc bầu cử vùng dự kiến vào tháng 5 tới sang ít nhất là tháng 9.

Pháp đến nay ghi nhận có 158.050 người mặc COVID-19, trong đó số ca tử vong đã vượt ngưỡng 20.000 trường hợp. Tính đến sáng 22/4, số ca tử vong tại nước này lên tới 20.796 ca. Pháp hiện trở thành quốc gia có số ca tử vong vì dịch bệnh lớn thứ 4 thế giới.

Tổng Giám đốc Cơ quan Phụ trách Y tế Pháp Jerome Salomon cho biết: “Dịch bệnh này rất nguy hiểm và còn lâu mới kết thúc. Số người chết hiện nay cao hơn so với đợt nắng nóng vào mùa hè năm 2003”. Mặc dù Pháp chuẩn bị bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế từ ngày 11/5, nhưng ông Salomon nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt lệnh phong tỏa.

Ngày 21/4, giới chức bang Bayern, Đức đã chính thức quyết định hủy Lễ hội bia tháng 10 (Oktoberfest), lễ hội bia truyền thống lớn nhất thế giới ở Đức, để phòng ngừa các nguy cơ từ dịch COVID-19. Lễ hội bia tháng 10, dự kiến diễn ra từ 19/9 - 4/10 năm nay. Quyết định hủy bỏ lễ hội không quá bất ngờ, bởi trước đó Thủ hiến bang Bayern cũng đã bày tỏ khả năng cao sẽ phải hủy bỏ sự kiện trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh hiện nay. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 148.291 ca mắc SARS-CoV-2, trong đó 5.033 ca tử vong vì dịch bệnh.

Anh ghi nhận có thêm 4.301 ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 129.044 ca, trong đó 17.337 ca tử vong. Ngày 21/4, Quốc hội Anh nhóm họp trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh kéo dài do các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các nghị sỹ tham gia phiên họp được khuyến khích tham gia bằng hình thức trực tuyến. Thủ tướng Anh Boris Johnson hiện vẫn đang trong giai đoạn phục hồi tại nhà riêng ở ngoại ô London sau một tuần điều trị COVID-19 tại bệnh viện. 

Ngày 21/4, Chính phủ Mexico tuyên bố dịch COVID-19 đã bước sang cấp độ đại dịch tại nước này. Phát biểu với báo giới, cơ quan y tế nước này cho biết đã có sự xuất hiện của các ổ dịch và số ca lây nhiễm sẽ tăng mạnh trong thời gian này. Dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra từ ngày 8-10/5 tới và có thể kết thúc chu kỳ đầu tiên của dịch, khi 95% các ca bệnh được xác định vào ngày 25/6. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cơ quan chức năng kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những khuyến cáo về phòng bệnh, ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 30/5. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã ghi nhận 8.772 ca mắc COVID-19, trong đó có 712 trường hợp tử vong.

Hiện tại, một số quốc gia khu vực châu Âu đang xem xét kế hoạch nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Ngày 21/4, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thông báo sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 vào ngày 15/5 tới, qua đó cho phép các nhà hàng, quán cà phê mở cửa và các dịch vụ tôn giáo được nối lại hoạt động.

Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết trước cuối tuần này, Rome sẽ công bố các kế hoạch từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 4/5 tới. 

Bộ Y tế Đan Mạch cho biết nước này sẽ cho phép việc tụ tập công cộng không quá 500 người từ ngày 10/5 tới, tăng so với mức giới hạn 10 người trước đó. Quy định mới này sẽ có hiệu lực cho tới ngày 1/9 tới.

Trong một diễn biến khác, ngày 21/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phủ nhận ý kiến cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phát triển trong phòng thí nghiệm và cho biết tất cả những bằng chứng hiện có cho thấy khả năng virus này bắt nguồn từ động vật tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

 Phát ngôn viên WHO Fadela Chaib. (Ảnh: WHO)

Phát biểu trước một cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn WHO Fadela Chaib cho hay: “Tất cả các bằng chứng sẵn có đều chỉ ra virus này có nguồn gốc từ động vật chứ không phải được phát triển hoặc tạo ra trong phòng thí nghiệm hoặc ở một nơi nào đó”.

Tuy nhiên, bà Chaib cho biết, nhiều nghiên cứu cần thiết để xác định cách thức loại virus này lây từ động vật sang người. Bà khẳng định động vật là vật chủ trung gian truyền virus và loại virus này xuất phát từ chợ buôn bán động vật hoang dã tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

“Nhiều khả năng loại virus này có hồ chứa sinh thái trong loài dơi, nhưng làm thế nào để virus phát sinh từ dơi sang người là điều mà các nghiên cứu vẫn chưa phát hiện được”, bà Chaib nhấn mạnh.

Viện Virus học Vũ Hán trước đó cũng đã bác bỏ những tin đồn cho rằng họ đã phát triển virus SARS-CoV-2 cũng như vô tình để virus này phát tán ra khỏi phòng thí nghiệm.

Dù đến nay vẫn chưa thể xác định SARS-CoV-2 xuất phát từ đâu, song nhiều chuyên gia khẳng định đại dịch COVID-19 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trên toàn cầu và đang làm đảo lộn cả thế giới, đến từ động vật. Chính hoạt động của con người khiến SARS-CoV-2 lây sang con người, và các chuyên gia cảnh báo nếu không thay đổi, rất nhiều đại dịch khác xuất phát từ tự nhiên sẽ còn tiếp tục xuất hiên./.

Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực