Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Thứ ba, 01/08/2023 16:37
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ nỗ lực nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với các bên còn lại gồm: Liên hợp quốc, Nga, Ukraine về vấn đề này.
Ảnh minh họa: AP/Andrew Kravchenko 

Ngày 1/8, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, các cuộc đàm phán xoay quanh triển vọng nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đang được tiến hành thông qua Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành có liên quan.

“Các cuộc đàm phán đang được triển khai. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các hoạt động này được tiến hành xuất phát từ thực tế là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen góp phần đảm bảo an ninh lương thực" -  nguồn tin cho biết.

Cũng theo quan chức trên, Ankara đang trông đợi cơ hội thảo luận về việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trong khuôn khổ các cuộc điện đàm cũng như các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Hiện các nhà lãnh đạo của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch thảo luận các vấn đề xoay quanh việc nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen thông qua cuộc điện đàm dự kiến diễn ra vào ngày 2/8. Thời điểm diễn ra cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể được ấn định thông qua cuộc điện đàm này.

Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Theo đó, Nga và Liên hợp quốc ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, còn Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày) và tháng 3 năm nay (thêm 60 ngày, tới 18/5/2023) và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5, thỏa thuận đã chấm dứt hiệu lực vào ngày 17/7. Trong các lần gia hạn này, Moscow đã kêu gọi các bên cần lưu tâm tới các lợi ích của Nga vốn chưa được thực hiện theo như tinh thần mà bản thỏa thuận đã đề cập tới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tỏ rõ sự "thất vọng sâu sắc" trước việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc – vốn được ông ví như "chiếc phao cứu sinh cho an ninh lương thực toàn cầu". Theo số liệu thống kê, kể từ sau thời điểm Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen được ký kết từ tháng 7/2022 cho tới khi chấm dứt hiệu lực, đã có 32 triệu tấn ngũ cốc được phân phối, kéo giá lương thực giảm 20% trên quy mô toàn thế giới.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Nga – châu Phi diễn ra vào tuần trước, Tổng thống Putin khẳng định, ban đầu Nga đã đồng ý tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với điều kiện là các bên sẽ lưu tâm tới các điều khoản được đề cập trong bản thỏa thuận nhằm loại bỏ những trở ngại “phi lý” đối với các hoạt động cung cấp ngũ cốc và phân bón của Nga ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, đã không có điều kiện nào trong số này được đáp ứng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin lưu ý rằng thỏa thuận ngũ cốc có thể được nối lại "dưới một hình thức mới", song lưu ý thêm rằng “điều này đòi hỏi phương Tây phải có hành động cụ thể”./.

T.Lan (Theo TASS, aljazeera)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực