Tốc độ gia tăng số ca nhiễm, tử vong do COVID-19 giảm song vẫn ở mức cao

Thứ hai, 24/05/2021 10:28
(ĐCSVN) – Đến sáng 24/5, thế giới có tổng số 167.518.213 ca nhiễm và 3.478.240 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 478.004 ca nhiễm và 9.865 ca tử vong mới. Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước có tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
 Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Colombia. (Ảnh: WHO)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 24/5, đã có 148.531.144 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 15.508.829 ca bệnh đang điều trị, có 15.411.852 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 96.977 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 222.835 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (36.134 ca) và Mỹ (13.541 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 4.455 ca, sau đó là Brazil (894 ca) và Colombia (496 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 49.214.707 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 24/5, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 648.055 ca đã tử vong do COVID-19 và 44.369.631 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 26.751.681; 5.186.487 và 2.832.518 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 303.751; 46.268 và 78.597 ca. 

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 43.426 ca nhiễm và 920 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.603.666; 5.001.505 và 4.462.538 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.721 ca, sau khi có thêm 5 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (125.225 ca) và Nga (118.482 ca).

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với 39.483.292 ca, trong đó có 884.995 ca tử vong và 32.148.672 ca được điều trị khỏi. Với 33.896.660 ca nhiễm và 604.087 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.395.330 và 1.359.180 ca nhiễm, cùng 221.597 và 25.231 ca tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 103.870 ca nhiễm và 2.416 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 27.751.256 ca và 754.110 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 36.134 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 16.083.573 vào thời điểm hiện tại. Với 894 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 496 ca tử vong mới và Argentina với 375 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 24/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.800.002 ca, trong đó có 128.741 ca tử vong và 4.324.955 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.635.465 ca nhiễm và 55.802 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 2.894 ca nhiễm mới và 30 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 517.023 và 335.345 ca nhiễm bệnh cùng 9.122 và 12.236 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 67.265 ca nhiễm (tăng 37 ca) và 1.243 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 7 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.011 ca, trong đó 910 ca tử vong.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số người nhiễm và tử vong không ngừng gia tăng, các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.

Tại châu Á, Trung Quốc dự kiến sẽ sớm trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm được 500 triệu mũi vaccine COVID-19 do số người sẵn sàng tiêm vaccine tăng vọt. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến ngày 22/5, nước này đã tiêm 497,3 triệu mũi vaccine phòng COVID-19. Con số này cao hơn nhiều so với quốc gia đứng thứ hai là Mỹ, với hơn 283 triệu liều vào cùng ngày. Trung Quốc bắt đầu triển khai tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc vào cuối năm 2020, bắt đầu với những người trong độ tuổi 18 – 59. Hiện Trung Quốc đã dần mở rộng cho nhiều nhóm đối tượng hơn.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE), việc tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech có thể ngừa biến chủng B.1.617.2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ với tỷ lệ bảo vệ lên tới 88%. Tỷ lệ này là 60% đối với vaccine của AstraZeneca/Oxford. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết dữ liệu về hiệu quả của vaccine cho thấy Anh đang đi đúng hướng và nước này có thể chấm dứt phong tỏa nếu mọi người được tiêm đủ hai mũi vaccine. Số liệu mới nhất của chính phủ Anh cho thấy, tính đến ngày 22/5, hơn 60 triệu người Anh đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng  COVID-19, trong đó hơn 22,6 triệu người, chiếm 43% số người trưởng thành, đã tiêm đủ 2 mũi.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiêm chủng đại trà từ ngày 14/1 sau khi cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sinovac của Trung Quốc và tới nay đã tiêm cho15,946 triệu người.

Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí công nhận hộ chiếu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của nhau. Chứng nhận sẽ bao gồm thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm PCR hoặc miễn dịch COVID-19 sau khi khỏi bệnh.

Iraq đã tiêm phòng thêm 8.442 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số người đã được tiêm tại quốc gia này lên là 527.159 người./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực