Tỷ giá đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm

Thứ hai, 13/06/2022 15:23
(ĐCSVN) – Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 13/6, tỷ giá đồng yen so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002 trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ còn nới rộng nếu như Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát.
Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 13/6, tỷ giá đồng Yen so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002. (Ảnh: AP)

Theo đó, tại thị trường Tokyo, tỷ giá giữa hai đồng tiền giao dịch ở mức 134,96-97 yen/USD so với mức đóng cửa 133,59-62 yen/USD vào cuối tuần trước.

Không chỉ mất giá so với đồng USD, đồng nội tệ của Nhật Bản còn mất giá so với đồng euro. Tỷ giá giao dịch giữa hai đồng tiền này vào lúc mở cửa tại thị trường Tokyo là 141,38-45 yen/euro so với mức giá đóng cửa 141,95-99 yen/euro của phiên giao dịch cuối tuần trước. 

Sự mất giá nhanh của đồng yen đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, dẫn tới làn sóng bán tháo đồng yen và khiến tỷ giá giữa hai đồng tiền đã có lúc tăng vượt mốc 135 yen/USD lần đầu tiên kể từ tháng 2/2002.

Tỷ giá đồng yen Nhật so với đồng USD có thể tiếp tục giảm do chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và FED ngày càng nghịch chiều. Giới đầu tư lo ngại FED sẽ tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp vào giữa tuần này để đối phó với mức lạm phát cao hơn so với dự báo.

Hiện lạm phát tại Nhật Bản đang vượt mức mục tiêu 2% mà BoJ đề ra. Theo Chính phủ Nhật Bản, lạm phát tăng cao chủ yếu là do giá năng lượng và hàng hóa tăng, gây ra áp lực cho các hộ gia đình. Giá tiêu dùng tăng cao tạo áp lực cho BoJ trong việc tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Việc tăng giá tiêu dùng có thể khiến BoJ đối mặt với khó khăn để duy trì chính sách tiền tệ lỏng. BoJ hiện vẫn duy trì biện pháp kích thích tiền tệ lớn khi tìm cách duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% ngay cả khi đồng yen yếu hơn, đẩy giá thực phẩm và năng lượng lên cao và các ngân hàng trung ương lớn khác như Mỹ và Anh đang thực hiện việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Ông Haruhiko Kuroda - Thống đốc BoJ cho biết: "Nhật Bản hoàn toàn không rơi vào tình trạng bắt buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là kiên trì tiếp tục với chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ như hiện tại và từ đó hỗ trợ vững chắc hoạt động kinh tế". Ông Kuroda cho biết ông sẽ giữ nguyên mức lãi suất - 0,1% - mức lãi suất đã được áp dụng từ năm 2016 cho đến nay.

Yen Nhật không phải là đồng tiền duy nhất ở châu Á mất giá so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay. Do nhiều nền kinh tế châu Á vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19, đồng nội tệ của các quốc gia này khó tránh khỏi sức ép giảm giá khi FED tăng lãi suất./.

H.Hà (Theo Reuters, CNBC)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực