WHO kêu gọi thận trọng khi nới lỏng các biện pháp hạn chế

Thứ ba, 14/04/2020 15:40
(ĐCSVN) – Đại dịch COVID-19 có khả năng gây tử vong cao gấp 10 lần so với đại dịch cúm năm 2009 khi có thể tăng tốc rất nhanh trong khi việc giảm tốc lại diễn ra chậm hơn rất nhiều. Các biện pháp mà các nước đang áp dụng nhằm kiềm chế đại dịch phải được gỡ bỏ một cách từ từ và dưới sự kiểm soát, chứ không thể diễn ra đồng loạt.

Thế giới sắp cán mốc 120.000 ca tử vong vì COVID-19

Đại dịch COVID-19: Số ca nhiễm trên toàn cầu sắp cán mốc 2 triệu người

 Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu. (Ảnh: AA)

Đây là những thông điệp quan trọng do Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trước các phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 13/4.

Bên cạnh đó, ông Ghebreyesus cũng chỉ ra các tiêu chí để các nước cân nhắc khi tính đến việc gỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội bao gồm: (1) Kiểm soát được sự lây lan của virus. (2) Thiết lập được một hệ thống giám sát để phát hiện, cách ly và điều trị bệnh nhân. (3) Giảm thiểu sự bùng phát của dịch bệnh tại bệnh viện và các khu dưỡng lão. (4) Áp dụng các biện pháp phòng ngừa tại các địa điểm thiết yếu như trường học và nơi làm việc. (5) Kiểm soát được nguy cơ lây lan dịch bệnh từ người nhập cảnh.

Cùng ngày, người đứng đầu Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO – bà Maria Van Kerkhove cũng chia sẻ quan điểm với những khuyến cáo mà ông Ghebreyesus đã đưa ra. Bà Kerkhove cho rằng, việc các nước châu Âu không đồng thời nới lỏng các biện pháp phong tỏa là điều “tối quan trọng”.

Những thông điệp trên được các đại diện WHO đưa ra vào thời điểm một số nước châu Âu đang cân nhắc tới việc nới lỏng phong tỏa và giãn cách xã hội sau khi nhận thấy rằng các ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này đang có “xu hướng chững lại”. Tuy nhiên, việc giảm bớt các ca nhiễm vẫn chưa thể khiến châu Âu cải thiện vị trí trong bảng thống kê khi “lục địa già” vẫn đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19, với lần lượt là 907.388 và 79.989 trường hợp, tính đến sáng 14/4.

 Tây Ban Nha đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa do COVID-19. (Video: euronews)

Hiện Áo đã công bố ý định dần nới lỏng các biện pháp hạn chế người dân ra đường và mở cửa trở lại các cửa hiệu cùng các hoạt động kinh doanh vào trung tuần tháng 4/2020. Thụy Sĩ cũng đề cập tới khả năng sẽ đưa ra các biện pháp nới lỏng xã hội đầu tiên vào cuối tháng 4/2020. Tây Ban Nha, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả vốn đã khiến nền kinh tế nước này lâm vào trì trệ.

Trong khi đó, cũng có một số nước tỏ ra thận trọng khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 14/4 tuyên bố sẽ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện phong tỏa đất nước cho tới ngày 11/5 tới. Ông Macron thừa nhận nước Pháp đã phải hy sinh nhiều thứ, song cần tiếp tục đi xa hơn để cứu thêm nhiều mạng sống.

“Chúng ta cần tiếp tục theo đuổi các nỗ lực và tiếp tục áp dụng những quy tắc. Những quy tắc này càng được tuân thủ thì sẽ càng có nhiều mạng người được cứu sống. Đây là lý do tại sao biện pháp phong tỏa đất nước nghiêm khắc nhất phải được tiếp tục cho đến ngày 11/5 tới.Trong thời gian đó, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là hành động thật hiệu quả” – Tổng thống Pháp nói.

Quyết định trên được ông Macron đưa ra chỉ ít giờ sau hành động tương tự của Thủ tướng Italy Guiseppe Conte nhằm nới rộng thời gian thực hiện các biện pháp hạn chế ít nhất cho tới ngày 3/5.

Hiện nhiều nước châu Âu đang lo ngại việc phong tỏa và giãn cách xã hội quá lâu sẽ để lại những hậu quả khôn lường đối với kinh tế-xã hội. Chính vì thế, việc đạt được sự “cân bằng” hợp lý giữa các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và khôi phục kinh tế là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần được tính toán kỹ lưỡng và thận trọng, bởi chỉ một bước đi vội vàng cũng có thể khiến dịch bệnh quay đầu trở lại và tăng tốc. Khi đó, việc áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đối với châu Âu là điều khó tránh khỏi. Và suy thoái về kinh tế tại "lục địa già" cũng sẽ cứ thế mà tiếp diễn./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực