Tôi gặp chị Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1976), nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường mầm non Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương trong ngày hội hiến máu. Chị được mọi người biết đến với vai trò là người tiên phong trong các chương trình “Hiến máu tình nguyện” cứu người. Việc “cho máu cứu người” đến với chị tình cờ như một cái duyên.
|
Chị Nguyễn Thị Liên và chồng tình nguyện tham gia hiến máu - Ảnh Võ Thị Hương. |
Ký ức về lần đầu “cho máu” vẫn in đậm trong chị: "Năm 2013, tôi bén duyên với chương trình “Hiến máu tình nguyện”. Nhìn mọi người hiến máu tình nguyện, nhìn cái kim lấy máu to khiến tôi sợ đau, sợ cho máu rồi ảnh hưởng đến sức khỏe… Bao nhiêu cái sợ, cái lo cứ lấn cấn trong đầu. Nhưng sau đó, tôi lại nghĩ rằng, mình có sức khỏe sao không làm gì giúp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, và tôi mang theo suy nghĩ đó tiến đến ký tên vào tờ giấy đăng ký hiến máu tình nguyện. Lần đầu tiên ấy, tôi đã “cho” 250ml máu của mình và được biết mình mang nhóm máu O".
Từ đó đến nay, đến hẹn lại lên, cứ đủ 4 tháng sau lần hiến máu gần nhất, chị Liên đều cố gắng tham gia hiến máu tình nguyện để “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại". Và cứ như thế khi ở bệnh viện có bệnh nhân nào cần hiến máu là chị có mặt sẵn sàng cho những giọt để cứu người. Chị luôn tâm niệm, làm sao có thể kết nối được những tấm lòng nhân ái, thu hút được ngày càng nhiều người tham gia phong trào hiến máu nhân đạo.
Sau những lần “cho máu”, chị nhận ra sức khỏe mình hình như tốt hơn, tinh thần phấn chấn hơn vì niềm vui giúp được người khác qua cơn nguy kịch. Cũng chính những lần “cho máu” ấy, chị đã nhận được sự yêu thương, cảm mến từ những người bạn, người thân của người được hiến tặng. Chị chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng không chỉ cá nhân tôi mà nhiều bạn thanh niên cũng muốn tham gia hoạt động tình nguyện. Chỉ có điều, các bạn chưa mạnh dạn và chưa hiểu biết hết ý nghĩa lớn lao của việc cho đi máu cứu người mà thôi”.
Tính từ 9/2013 đến 04/2023, chị Liên đã có 22 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Vừa là người trực tiếp hiến máu, vừa tích cực cổ vũ, động viên mọi người cùng tham gia, nguyên Chủ tịch Công đoàn đã góp phần truyền tải, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp của phong trào hiến máu nhân đạo, giúp cho nhiều người có được nguồn máu cần thiết, kịp thời trong điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Không chỉ tình nguyện hiến máu, chị Liên còn là tuyên truyền viên tích cực vận động được trên 100 bạn bè, người thân, đoàn viên thanh niên trong xã cùng tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Và điều đặc biệt chồng và con chị đều cùng tham gia. Cả gia đình đã 44 lần hiến máu.
“Bén duyên” với tổ chức Công đoàn từ tháng 10/2003 đến nay. Chị Liên ghi dấu ấn trong hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động của đơn vị.
Khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại huyện Thanh Chương, cũng như nhiều đơn vị khác, toàn huyện thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, khi mà “ai ở đâu, ở yên đó” thì những chuyến "Xe siêu thị 0 đồng" của tổ chức Công đoàn trường và gia đình chị lăn bánh trên khắp các nẻo đường để hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong những khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn huyện.
Gặp lại chị Liên khi chị là một trong những cán bộ Công đoàn tiêu biểu nhận thưởng của LĐLĐ huyện chị chia sẻ: "Ở thời điểm đó, nỗi sợ nhiễm COVID-19 là có nhưng át đi nỗi sợ, đó là trách nhiệm, tình cảm của người cán bộ Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động của mình, nên tôi sẵn sàng gác lại những việc riêng tư để toàn tâm chăm lo cho đoàn viên, người lao động".
Đó là, nhờ một người thủ lĩnh công đoàn luôn kịp thời hướng dẫn các đoàn viên phối hợp với lãnh đạo địa phương triển khai thành lập "Tổ an toàn COVID-19 ". Trong thời điểm toàn huyện thực hiện giãn cách xã hội, chị lại triển khai thực hiện hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động tại khu cách ly và điểm chốt. Chị đã tự làm 200 hũ măng nhút, 11 thùng chanh muối, chè bưởi, thập cẩm 124 ly, xôi cơm khu cách ly các điểm chốt trong đó có: Điểm cách ly tại xã Thanh Xuân (tiếp giáp với tỉnh Hà Tĩnh) và xã Thanh Khai (giáp huyện Nam Đàn) là 57 suất, Khu cách ly tại xã 412 suất, 20 bộ chiếu gối, màn và 1 chiếc giường. Ngày 09/01/2022, Trường mầm non Hương Tiến có trẻ bị FO, cả cô trò phải cách ly tại trường, gia đình chị đã hỗ trợ một máy giặt đã qua sử dụng để giặt đồ cùng 1 thùng xôi, 1 thùng cháo thịt củ quả cho các cháu.
4 năm nay, mỗi năm chị đều trích ra 1 triệu đồng để hỗ trợ 1 học sinh lớp chị có hoàn cảnh khó khăn nhất trong lớp. Không dừng lại ở đó, chị còn vận động đoàn viên của mình làm nhút bán được 10 triệu đồng ủng hộ quỹ vắc-xin.
|
Chị Liên (áo đen) trao những suất ăn tại điểm chốt Cầu Gang - Ảnh Võ Thị Hương |
Cùng với hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nguyên Chủ tịch Công đoàn đã chủ động đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của xã, trực tiếp phối hợp tổ tiêm vắc-xin bố trí 3 điểm tiêm lưu động bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội, ưu tiên tiêm cho công nhân lao động tạo miễn dịch cộng đồng, để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Ngoài ra chị còn kết nối với mọi người gửi nhu yếu phẩm vào TP Hồ chí minh như: nhút, chuối xanh, gạo, lạc mặn…. đóng gói cẩn thận.
"Thông qua các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động và hỗ trợ địa phương thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đã càng tô thắm thêm màu áo xanh Công đoàn, hình ảnh người cán bộ Công đoàn và vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn được người lao động, doanh nghiệp và xã hội nghi nhận", nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường mầm non Thanh Thịnh bày tỏ.
Ngoài chăm lo đời sống vật chất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của nữ thủ lĩnh công đoàn, các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động cũng được Công đoàn cơ sở triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, người lao động và sự ủng hộ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp.
Làm sao để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn cũng là điều mà nữ thủ lĩnh luôn trăn trở. Từ đó, chị đã có sáng kiến "Đổi mới việc tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn, nâng chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở trong các trường học" trong đó, mấu chốt là phải tạo được sức mạnh tổng hợp, đồng bộ, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền, chuyên môn, các cấp, các ngành.
Chị đã trực tiếp tham mưu cho Ban Thường vụ LĐLĐ huyện thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn; thành lập đội ngũ cộng tác viên gồm những người có chức vụ, uy tín tại các xã, thị trấn và cán bộ Công đoàn tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động để làm công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. Không dừng lại ở đó, từ thực tiễn hoạt động, chị Liên đã kết nối tổ chức chương trình giải nhiệt mùa hè nhân Tháng Công nhân với hơn 650 cốc nước mía cho công nhân.
Với những nỗ lực và kết quả nổi bật thời gian qua của chị Nguyễn Thị Liên và nhiều người khác trong phong trào hiến máu nhiều năm qua, đã góp phần níu giữ nhiều hơn nữa những “cuộc đời ở lại”. Và những cách làm hay của nguyên Chủ tịch Công đoàn, chị nhiều năm liền được tỉnh và huyện khen thưởng. Năm 2022, chị được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương và Hội chữ thập đỏ huyện vì có nhiều đóng góp trong công tác hiến máu tình nguyện. Nhiều năm liền chị được LĐLĐ huyện tặng giấy khen; Đảng uỷ xã tặng giấy khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục tiêu biểu; UBND huyện tặng giấy khen và danh hiệu "Người tốt - việc tốt"./.