Hiến sức trẻ đền đáp lại sự chia sẻ của cộng đồng

Thứ bảy, 06/06/2020 21:06
(ĐCSVN) - "Tôi luôn tâm niệm cống hiến sức trẻ để đền đáp lại sự chia sẻ của cộng đồng, tinh thần đoàn kết dân tộc, những người dân đã may từng chiếc khẩu trang, tấm chắn… tặng đội ngũ y, bác sĩ”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh đồng thời là bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị hai bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus corona tại Việt Nam đã chia sẻ như vậy tại Lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI.

Cho tới giờ, chắc hẳn bạn đọc vẫn chưa quên hình ảnh hai bệnh nhân đầu tiên người Trung Quốc mắc COVID-19 khỏi bệnh bước ra từ khu cách ly. Đó là khoảnh khắc vô cùng xúc động, có ý nghĩa lớn lao không chỉ đối với bệnh nhân, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cho người bệnh mà còn cổ vũ tinh thần cho các y, bác sĩ trên cả nước, cũng như khiến cho người dân cảm thấy yên lòng.

"Tới giờ, tôi vẫn chưa quên được những ngày cả kíp trực ở lại xuyên Tết để chữa trị cho hai cha con người Trung Quốc mắc bệnh. Ban đầu là cảm xúc lo lắng, áp lực bởi đó là bệnh mới nhưng bằng kinh nghiệm và kiến thức, tôi đã cùng đồng nghiệp điều trị thành công cho bệnh nhân. Khi các bệnh nhân xuất viện, cảm xúc của chúng tôi như vỡ òa. Nhiều năm trong nghề nhưng lần đầu tiên tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn động viên, hỏi thăm sức khỏe của những người không quen biết”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - người trực tiếp tham gia điều trị cho hai bệnh nhân từ ngày tiếp nhận đến lúc bình phục hoàn toàn nói.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang chia sẻ tại lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI - Ảnh: TL

Là những thầy thuốc trẻ của Bệnh viện Chợ Rẫy, anh cùng các đồng nghiệp đã tham gia trực tiếp, tích cực phòng, chống dịch ở ngay tuyến đầu. "Trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập 02 đội phản ứng nhanh tham gia vào 45 đội phản ứng nhanh của Bộ Y tế.  Tôi là đội phó đồng thời là bác sĩ điều trị và thực hiện triển khai các nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch trên fanpage Đoàn Thanh niên Bệnh viện", bác sĩ sinh năm 1986 chia sẻ về công việc của mình.

"Đợt điều trị đó vô cùng áp lực bởi ở thời điểm đó chưa có nhiều thông tin, không biết chính xác mức độ lây lan, nguy hiểm như thế nào. Chúng tôi vừa điều trị, vừa học hỏi, tham khảo, cập nhật từng giờ những tài liệu mới nhất trên thế giới. Chỉ tính riêng 10 ngày đầu, thay vì mặc đồ bảo hộ cấp độ 3 là đảm bảo thì tất cả phải mặc đồ bảo hộ cấp độ 4 vừa nặng, vừa dày gấp 3-4 lần và tôi chính là người phải mặc nhiều nhất do trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân.

Riêng mặc bộ đồ bảo hộ đã là thử thách, đòi hỏi thực sự có sức khỏe bởi mất nước và năng lượng rất nhanh. Chỉ cần mặc trong khoảng 30 phút là đã mất 1 lít nước trong cơ thể, người dễ mệt, choáng. Mọi thao tác trong quá trình điều trị cũng không dễ dàng”, bác sĩ Sang kể lại.

Và cũng thật dễ hiểu khi bác sĩ Sang thổ lộ anh đã rớm nước mắt khi đưa hai cha con người Trung Quốc từ khu cách ly sau khi đã điều trị thành công. “Ngày dắt người con ra, tôi vừa vui, vừa tự hào vì đó là ca bệnh đầu tiên của Việt Nam mà chúng tôi chữa khỏi. Còn ngày dắt người cha ra thì tôi như vỡ òa vì đã giành giật được ông từ bàn tay của tử thần. Đây là ca bệnh quá nặng, có nhiều  yếu tố có thể tử vong”.

Bệnh nhân Li Ding, sau khi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trở về cuộc sống bình thường, trong bức thư gửi lại ông đã viết: "… là một bệnh nhân, tôi có thể cảm nhận rằng cả bác sĩ Sang và bác sĩ Thơ đều là những người tuyệt vời và luôn tử tế với người khác. Gia đình chúng tôi mong được làm những người bạn tốt của các bạn…”.

Ông Li Ding và bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang trước lúc ra viện - Ảnh: Kim Vân

Nếu như ai đó sẽ ngại ngần khi phải gắn công việc với bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nhưng bác sĩ Sang lại có suy nghĩ khác. Anh cho biết, đến nay 10 năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là chừng ấy năm anh làm việc tại khoa Bệnh nhiệt đới kể từ khi tốt nghiệp ra trường.

“Đây là một trong những khoa được xếp vào loại độc hại nhất. Tuy nhiên, bệnh  truyền nhiễm khi điều trị đúng cách sẽ hồi phục hoàn toàn, không giống các bệnh mãn tính khác đa phần chỉ ổn định chứ khó chữa dứt. Được điều trị cho người bệnh và được thấy bệnh nhân hồi phục rất đặc biệt nên chọn khoa này dù hằng ngày phải phơi nhiễm với rất nhiều tác nhân bệnh nguy hiểm…”, bác sĩ Sang thổ lộ.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh hiện đang phụ trách chương trình “Một ngày đến với Bệnh viện Chợ Rẫy”. Chương trình có nội dung giới thiệu về các khoa chức năng của bệnh viện đồng thời, tuyên truyền cho thanh thiếu nhi về tác hại của việc không tuân thủ an toàn giao thông, các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm… 

"Chương trình xuất phát từ thực tế số vụ, số người bị thương, bị chết do tai nạn giao thông mỗi năm còn cao, đa phần trong số đó độ tuổi còn trẻ, nhận thức chưa cao. Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy được biết đến là nơi điều trị những trường hợp bị gãy chân, gãy tay, chấn thương sọ não đa phần do tai nạn giao thông gây ra nên Đoàn Thanh niên Bệnh viện đã có sáng kiến tổ chức chương trình này. Trong năm đã tổ chức được 5 đợt cho 4 đơn vị với hơn 250 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia chắc chắn nhiều bạn trẻ sau khi đi chứng kiến hậu quả của các vụ tai nạn giao thông do không tuân thủ pháp luật sẽ có thay đổi rõ rệt trong nhận thức, hành vi", Bí thư Đoàn Nguyễn Ngọc Sang tin tưởng.

Cũng trong đợt COVID-19, vì thực hiện cách ly xã hội nên các đơn vị thường xuyên là nguồn cung cấp máu cho bệnh viện không thể tổ chức hiến, dẫn tới lượng máu dự trữ thiếu nghiêm trọng. Chính bác sĩ Sang đã vận động thân nhân nuôi bệnh tại bệnh viện hiến máu đảm bảo lượng máu kịp thời cứu chữa cho người bệnh.

Đảm đương việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh niên bệnh viện, năm 2019, Bí thư Đoàn Nguyễn Ngọc Sang đã bàn bạc với các đoàn viên và quyết định thực hiện công trình thanh niên “Khám bệnh cho 5.000 lượt người dân”.

Công trình của Đoàn thanh niên Bệnh viện không chỉ cán mốc chỉ tiêu đề ra mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tổ chức được 17 chuyến công tác khám bệnh, tư vấn sức khỏe, sàng lọc một số bệnh tim mạch, phát thuốc miễn phí cho người dân tại TP Hồ Chí Minh và các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo trên cả nước.

“Tình yêu thương con người bao la của Bác Hồ đã được chúng tôi cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể gắn với công việc chuyên môn như vậy”, anh nói.

Dù công việc chuyên môn đã mất rất nhiều thời gian, nghề thầy thuốc đòi hỏi phải cập nhật kiến thức liên tục nhưng bác sĩ Sang vẫn luôn dành quỹ thời gian nhất định cho các hoạt động thiện nguyện. Những chuyến khám bệnh thiện nguyện cho người dân các tỉnh miền Tây, miền Trung anh chỉ kịp tham gia khi vừa kết thúc ca trực vài tiếng đồng hồ không phải là chuyện hiếm nhưng với người bác sĩ trẻ còn sức khỏe, sức trẻ thì khó khăn nào cũng có thể khắc phục.

“Khi được học bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” của Bác, tôi đã lấy đó làm phương châm sống và chắc nhiều người cũng như tôi. Tôi tâm niệm mọi khó khăn đều là thử thách và tìm cách để vượt qua, bởi “gian nan rèn luyện mới thành công”, bác sĩ Sang chia sẻ./.

Bảo Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực