|
Ông Lê Đình Hưng (đeo cà vạt) và bà Lê Thị Điệng cùng gia đình. Ảnh: Thanh Liễu |
Cùng nhau ra trận
Năm nay, ông Lê Đình Hưng 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Chuẩn bị trò chuyện với nhà báo, ông cẩn thận tự tay viết hơn chục trang giấy. Khi trò chuyện, ông kể rành mạch: Tôi sinh năm 1933 tại thôn Quan Nội, xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình có nghề bốc thuốc bắc. Ngay thời niên thiếu đã có tinh thần cách mạng, thời điểm khí thế cách mạng Tháng Tám 1945 sục sôi khắp nơi, khi mới 12 tuổi, tôi tham gia vào đội thiếu niên, thanh niên cứu quốc, tiếp đó tham gia dạy bình dân học vụ diệt “giặc dốt”, rồi làm cán bộ thôn.
Tháng 3/1953, chàng thanh niên Lê Đình Hưng 20 tuổi xuân đã gác lại hạnh phúc riêng tư, chia tay gia đình, xa người vợ trẻ để lên đường đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Thượng Lào. Đến tháng 7/1953, xung phong đi bộ đội, tháng 2/1954, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào cao điểm cuộc chiến. Kể đến những năm tháng hào hùng lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ông Lê Đình Hưng giọng hào sảng: Tôi được phân vào tiểu đội trực tiếp chiến đấu, thuộc Tiểu đoàn 930, Trung đoàn 148. Bước vào chiến dịch, chúng tôi đều xác định tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Tôi vinh dự được cùng đoàn quân chiến thắng từ Điện Biên Phủ tham gia Lễ duyệt binh đầu tiên ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ra mắt đồng bào quốc dân và báo chí quốc tế.
Còn bà Lê Thị Điệng, người cùng quê, sinh năm 1934 trong gia đình nhà nho. Sau khi chồng đi dân công hỏa tuyến chưa đầy nửa năm, thì tháng 8/1953 đến tháng 11/1953, cô thôn nữ Lê Thị Điệng cũng xung phong tham gia dân công gánh gạo suốt từ Thanh Hóa đến Suối Rút - Hòa Bình phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Không quản ngại khó khăn vất vả, ở quê bà tần tảo công việc gia đình, tham gia dân quân du kích, dạy bình dân học vụ, chờ chồng thắng giặc trở về…
Nói về tinh thần cách mạng của gia đình, ông Lê Đình Hưng tự hào: Gia đình chúng tôi luôn một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ. Ngoài vợ chồng tôi tham gia phục vụ kháng chiến, còn hai em trai của tôi đều đi bộ đội tham gia chống Mỹ, trong đó em trai út là Lê Đình Tư tham gia chống mỹ ở chiến trường miền Nam bị địch bắt giam cầm tại nhà tù Phú Quốc từ năm 1968 đến 1973, dù bị tra tấn dã man nhưng quyết không khuất phục, được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam tại chính nhà tù của đế quốc.
Gắn bó cùng quê hương Sơn La
Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc, tháng 5 năm 1958, ông Hưng cùng đơn vị xây dựng Nông trường Tô Hiệu, trụ sở tại xã Hát Lót, (nay là thị trấn Hát Lót) huyện Mai Sơn. Tiền tuyến gọi, hậu phương sẵn sàng, bà Điệng cũng đồng hành cùng chồng lên xây dựng kinh tế trên vùng Tây Bắc, làm công nhân Nông trường Tô Hiệu.
Bước sang mặt trận kinh tế, chàng thanh niên Lê Đình Hưng quyết chí vừa học vừa làm nâng cao trình độ, vận dụng những kiến thức, kết hợp với những kinh nghiệm và hết lòng hết sức vì việc chung, nên luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ông đã được giao đảm nhận nhiều chức vụ ở các cơ quan, đơn vị: Kế toán trưởng Nông trường Tô Hiệu (1966 - 1976); thực hiện nhiệm vụ tiếp quản miền Nam sau giải phóng, tháng 6/1976, ông nam tiến và giữ chức Trưởng phòng Kế toán tài vụ Công ty Bông Trung ương (Bộ Nông nghiệp) đến năm 1981. Năm 1982, ông ra Bắc và giữ chức Giám đốc Công ty giống thức ăn gia súc Sơn La đến năm 1984; Trưởng phòng Kế toán tài vụ Ty Nông nghiệp Sơn La (1984 - 1986). Từ tháng 11/1986, nghỉ chế độ, trú tại tiểu khu 21, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.
Về địa phương, ông vẫn luôn phát huy tinh thần người chiến sỹ Điện Biên, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từ năm 1989 – 1994, được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Tô Hiệu, Chủ tịch MTTQ thị trấn. Khi nghỉ hưu trí, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ nhiều năm.
|
Ông Lê Đình Hưng nhận Huy hiệu Đảng 60 năm. Ảnh: Thanh Liễu |
Còn bà Điệng, bấy giờ làm việc tại Bệnh xá của Nông trường. Trong hoàn cảnh chiến tranh rất khó khăn, máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, bà vẫn thường xuyên đi bộ xuống tất cả 24 đội sản xuất của Nông trường từ Cò Nòi đến các điểm trên cao nguyên Nà Sản, đội xa nhất là 15km để chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ. Khi Bệnh xá sơ tán trong hang đá, tránh máy bay Mỹ bắn phá, bà cùng cán bộ bệnh xá leo đèo, gánh cơm phục vụ bệnh nhân chu đáo, coi bệnh nhân như người thân. Nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, bà nấu cơm, cháo, mang đường của gia đình để giúp đỡ. Đến năm 1983, bà nghỉ hưu theo chế độ.
Mặc dù ở tuổi xưa nay hiếm, ông bà vẫn chịu khó lao động sản xuất, nêu gương sáng trong gia đình và nơi cư trú; quan tâm giáo dục con, cháu sống có tâm, có đức, có ích cho xã hội.
Ghi nhận những đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, ông Lê Đình Hưng vinh dự được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba, Huy chương Chiến thắng hạng Nhì, Huy chương kháng chiến hạng Nhì của nước CHDNND Lào, Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên; được trao tặng Huy hiệu Đảng 30 năm, 40 năm, 50 năm, 55 năm, 60 năm. Còn bà Lê Thị Điệng vinh dự được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; có 3 năm đạt Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; Huy hiệu Đảng 30 năm, 40 năm, 50 năm, 55 năm./.