|
Ông Triệu Văn Áy, Bí thư chi bộ xóm núi Lũng Phiắc. Ảnh: Trần Hoàng Anh |
Trên cánh đồng hoang hóa quanh xóm năm nào giờ đã được phủ một màu xanh bất tận của cánh đồng lúa nước và những ruộng ngô, ruộng lạc. Mang màu xanh ấm no, hạnh phúc về cho rẻo đất biên cương này có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các lực lượng và chính quyền địa phương, trong đó có vai trò của người Bí thư chi bộ xóm núi Lũng Phiắc - ông Triệu Văn Áy, sinh năm 1949, người dân tộc Nùng.
Nỗi đau mang tên “điểm nóng”
Theo chân Trung úy Lường Cảnh Vinh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Đàm Thủy, chúng tôi đến thăm gia đình ông Triệu Văn Áy, Bí thư chi bộ xóm núi Lũng Phiắc. Biên cương đang chuyển mùa nên tiết trời đã se se lạnh kèm theo những cơn mưa rả rích khiến cho đường đi đến Lũng Phiắc càng trở nên khó khăn hơn.
Trong ngôi nhà sàn đặc trưng của người Nùng, bên chén trà nóng, người Bí thư già Triệu Văn Áy chia sẻ với chúng tôi những vui buồn của bà con xóm núi nơi rẻo cao biên giới đã từng trải qua. Ông Áy nhớ lại: “Xóm núi Lũng Phiắc này chỉ có 257 hộ với trên 1.020 khẩu, 100% hộ dân đều là bà con dân tộc Nùng. Bà con người Nùng vốn có đặc tính sống khép kín, ít giao tiếp với xã hội bên ngoài, nên chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, chăn thả gia súc, gia cầm theo kiểu tự cung, tự cấp. Do đời sống chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, lúa nhưng trình độ sản xuất còn thấp nên năm nào xóm núi Lũng Phiắc cũng có tới hơn 50-60 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo.
Nghèo nàn, lạc hậu cộng với việc sống khép kín nên tình trạng tảo hôn những năm trước đây rất trầm trọng, trẻ em mới 7 tuổi đã được gia đình tổ chức ăn hỏi, 13 tuổi là dựng vợ, gả chồng. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống cũng không phải hiếm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển giống nòi...
Cách đây hơn chục năm về trước, khi nhắc đến vùng đất này, ai cũng nghĩ đến sự khó khăn, phức tạp về an ninh, trật tự, nổi cộm lên những vấn đề như khai thác, vận chuyển quặng trái phép, nạn tảo hôn và các tệ nạn xã hội... Nhưng nỗi buồn lớn nhất của gia đình tôi cũng như bà con trong xóm vẫn là tình trạng nghiện ma túy. Chính ma túy đã cướp đi đứa con trai đầu lòng của vợ chồng tôi khi nó chạy theo bạn bè lao vào vòng xoáy của cái chết trắng”.
Ông Áy cho biết, được ông trời ban tặng nên trên địa bàn xóm núi Lũng Phiắc có mỏ Măng gan, quặng Măng gan lộ thiên ngay trong những hốc đá nên rất thuận lợi cho người dân địa phương trong việc khai thác. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, một số người dân ở Lũng Phiắc bắt đầu tham gia khai thác quặng lậu ở trên núi. Một thời gian sau, do thương lái bên Trung Quốc đẩy mạnh thu mua nên việc khai thác bắt đầu nở rộ và giai đoạn 2002-2006, đã trở thành vấn đề nóng tại đây. Ban đầu, quặng lậu được vận chuyển bằng cách gồng gánh, sau đó, để “tăng năng suất”, hàng trăm con la được “xung quân” vào đội hình khai thác quặng. Từng dòng người ùn ùn vượt dốc đổ về điểm khai thác, bất kể đêm ngày.
Từ ngày lao vào cơn lốc khai thác, vận chuyển quặng trái phép, bà con xóm núi Lũng Phiắc không màng đến ruộng đồng, bỏ bê chăn nuôi để lên núi đào quặng. Nhiều đứa trẻ trong xóm cũng bỏ học, theo chân người lớn đi đào quặng; các đoàn thể ở địa phương tê liệt, không hoạt động. Khi trong túi rủng rỉnh tiền, nhiều người lao vào chơi “hàng trắng” dẫn đến nghiện ngập lúc nào không hay. Khi không có tiền để chơi ma túy thì sinh ra trộm cắp. Hết trộm của cải trong nhà thì lại đi trộm của hàng xóm, khiến cho làng xóm mất đoàn kết. Lúc cao điểm, cả xóm Lũng Phiắc có tới hơn 50 con nghiện. Trong số đó, đã có không ít những kẻ đã và đang phải ngồi “bóc lịch” trong các trại giam.
Hồi sinh xóm núi Lũng Phiắc
Sau bao đêm trăn trở, làm sao để giúp người dân xóm núi Lũng Phiắc thay đổi cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đẩy lùi các tệ nạn xã hội để xây dựng quê hương giàu mạnh, người Bí thư chi bộ già Triệu Văn Áy đã mạnh dạn nhiều lần lên gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã Đàm Thủy cũng như Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đàm Thủy để đề xuất nguyện vọng của mình, rồi cùng với lãnh đạo xã và cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Đàm Thủy bàn bạc, tìm ra các giải pháp, phương án hữu hiệu nhất.
Qua các cuộc họp, những nguyên nhân dẫn đến sự mất ổn định ở xóm núi Lũng Phiắc đã được “mổ xẻ”, làm rõ, đó là việc nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chưa kịp thời; việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở từng xóm chưa đồng đều dẫn đến bức xúc trong quần chúng nhân dân; chưa quan tâm xây dựng tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng; chưa quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế...
Phải nói thêm rằng, trong những năm 2000-2005, tình hình an ninh chính trị vốn đã phức tạp, song, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng ở Lũng Phiắc chưa thực sự đủ mạnh để giải quyết tình hình. Cả xóm khi đó có 3 đội sản xuất, nhưng chỉ có 5 đảng viên. Chính vì vậy, một trong những việc làm được Đảng ủy xã triển khai ngay ở Lũng Phiắc là lựa chọn những quần chúng tốt, bồi dưỡng và kết nạp Đảng, xóa xóm "trắng" về chi bộ. Tiếp đến là phối hợp với Đồn Biên phòng Đàm Thủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhờ đó, bà con dần hiểu được những hệ lụy từ việc khai thác quặng lậu nên đã từ bỏ công việc sai trái này.
Cũng nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, bà con xóm núi Lũng Phiắc ngày càng cởi mở, hòa đồng hơn với các xóm khác và dần thoát khỏi lối sống khép kín như xưa. Trai gái đã đi tìm bạn ở các vùng lân cận, dần kết hôn đúng độ tuổi quy định và tránh hôn nhân cận huyết thống. Những hoạt động văn hóa truyền thống tiếp tục được phục hồi, đặc biệt là Lễ hội Lồng Tồng, giúp bà con ngày càng gắn bó với đồng ruộng, đồng thời, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Ngoài ra, Bí thư chi bộ Triệu Văn Áy còn phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy mở các lớp hướng dẫn trồng lúa, ngô, chăn nuôi lợn cho bà con. Những hộ có khó khăn về vốn được Đồn Biên phòng Đàm Thủy cho vay vốn để sản xuất, chăn nuôi. Để xóa bỏ nạn tảo hôn, ông Áy đã cùng với các cán bộ Đồn Biên phòng Đàm Thủy phối hợp với chính quyền xã và các cấp hội phụ nữ tập trung tuyên truyền đến từng thôn, từng hộ. Đặc biệt, ông tham mưu cho chính quyền xã Đàm Thủy nhất quyết không làm các thủ tục đăng ký kết hôn, không cho tổ chức tiệc cưới nếu như vợ chồng chưa đủ tuổi. “Mỗi hủ tục sẽ có cách tuyên truyền khác nhau. Có những vấn đề cần sự mềm mỏng, nhưng cũng có những vấn đề cần sự can thiệp của pháp luật mới có sự răn đe” - ông Áy nói.
Với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, người Bí thư chi bộ già xóm núi Lũng Phiắc Triệu Văn Áy đã luôn đi đầu và vận động gia đình, người thân trong dòng họ tích cực tham gia trong việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nông thôn mới gắn với vệ sinh nhà cửa, môi trường, ăn uống hợp vệ sinh... Ngoài ra, ông còn tích cực vận động nhân dân hiến đất làm đường nông thôn mới, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đường giao thông, làm chuồng trại tập trung xa khu dân cư, làm cầu kiên cố. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo cấp trên đầu tư kinh phí làm đường, biến những con đường ngập bùn ngang ống chân khi mưa thành đường bê tông bằng phẳng; làm 2 tuyến mương nội đồng với tổng chiều dài hơn 5km, đưa nước từ sông Quây Sơn cung cấp cho 45ha đất ruộng, giúp bà con tăng từ một vụ lúa lên thành hai vụ và một vụ màu...
Diện mạo của xóm núi Lũng Phiắc đang ngày càng thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, đời sống bà con trong xóm cũng ngày càng cải thiện, số hộ nghèo ngày càng giảm, cái đói, cái lạc hậu cũng không còn tồn tại. Và một điều đáng quý nữa đối với bà con, đó là Lũng Phiắc đã bình yên trở lại. Thành quả đó có sự chung lưng đấu cật của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của ông Triệu Văn Áy, Bí thư chi bộ xóm núi Lũng Phiắc./.