|
PGS.TS Trần Thị Thu Hà |
Là thành viên của Hiệp hội giống cây trồng quốc gia và quốc tế, 15 năm làm việc với Trung tâm giống cây rừng của Tổ chức CSIRO Úc, PGS.TS Trần Thị Thu Hà tập trung vào việc khảo nghiệm các giống keo tai tượng có xuất xứ từ Úc trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bên cạnh Đề tài cấp bộ “Đánh giá khả năng sinh trưởng và tính thích ứng của các xuất xứ keo tai tượng Acacia mangium và các dòng keo lai Acacia mangium x Acacia anriculiformis khác nhau tại Tuyên Quang”, chị còn tích cực hợp tác với CSIRO Úc tiến hành khảo nghiệm nhiều lô hạt giống keo lá tràm, keo lưỡi liềm, bạch đàn, thông ... ở vùng cao phục vụ cho trồng rừng và hoàn trả các vùng khai thác quặng ở nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Nam.
Cùng với cộng sự, PGS.TS Hà đã tập trung nghiên cứu nhân giống in vitro thành công ở quy mô công nghiệp các dòng keo lai và bạch đàn lai, cung cấp 3-5 triệu cây giống chất lượng cao mỗi năm cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Bên cạnh đó, chị đã thực hiện chọn và nhân giống một số loài cây dược liệu quí của Việt Nam giá trị kinh tế cao, có nguy cơ bị tuyệt chủng, nhiều loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam như lan kim tuyến, khôi tía, gừng gió, giảo cổ lam, đinh lăng, tam thất, trà hoa vàng, sa nhân tím…
Là chủ nhiệm dự án cấp quốc gia “Hoàn thiện công nghệ nhân giống in vitro và nuôi trồng một số cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao lan kim tuyến, đinh lăng và gừng gió" thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tư chịu trách nhiệm (Chương trình 592), chị và đồng nghiệp đã chọn được giống lan kim tuyến tại Lào Cai, gừng gió tại huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn và đinh lăng tại Thái Nguyên cho khả năng sinh trưởng tốt, hàm lượng dược tính cao.
“Chúng tôi đã xây dựng được 1,5ha vườn giống cây mẹ nhằm mục đích lấy mẫu tiến hành thực hiện các thí nghiệm, hoàn thiện được 03 quy trình công nghệ nhân giống in vitro cho hệ số nhân giống cao, chất lượng ổn định, có thể sản xuất phục vụ ở quy mô công nghiệp", chị cho biết.
Ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào nghiên cứu lai tạo, nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quí bản địa như: thông đất, giảo cổ lam, tam thất nam, kim ngân, thảo quả….. thuộc các chương trình độc lập cấp nhà nước, các bộ, ngành cũng là hướng nghiên cứu chính mà chị đã và đang triển khai. Kết quả là đã tạo ra được những giống dược liệu chất lượng cao, ứng dụng thành công công nghệ sinh học, sinh học phân tử tạo ra giống tốt với quy mô công nghiệp giúp phát triển ngành dược liệu của Việt Nam.
Không thể không nhắc đến việc chị đã chủ trì thành công Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống loài dược liệu thông đất quý hiếm, có giá trị kinh tế cao trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2019. Đây là dự án đổi mới khoa học công nghệ thuộc Ngân hàng thế giới chuyển giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Sau 2 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thành việc xây dựng được hệ thống phòng thí nghiệm sinh học phân tử và hóa sinh đạt tiêu chuẩn ISO phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu. Trên cơ sở đó, PGS.TS Thu Hà và cộng sự đã nghiên cứu và làm chủ được công nghệ sử dụng chỉ thị phân tử nhận dạng loài thông đất, phương pháp định tính, định lượng dược liệu để phân tích hoạt chất dược liệu xác định được những xuất xứ giống có hàm lượng dược liệu cao. Nhóm đã đăng ký được 11 đoạn gen đặc trưng thông đất trên ngân hàng gen NCBI, xác định được 06 xuất xứ của 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái có hàm lương Hupezin A cao, xây dựng được 0,5 ha vườn giống gốc cây thông đất tối ưu phục vụ công tác lai tạo và nhân giống, hoàn thiện được 02 quy trình công nghệ nhân giống vô tính (in vitro và in vivo) loài thông đất quy mô công nghiệp phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả tối đa, bảo hộ được giống thông đất – TN10.
Hiện 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng cây dược liệu và lâm nghiệp do PGS.TS Thu Hà và tập thể cán bộ Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp là tác giả đã được áp dụng vào thực tiễn. Các quy trình được ứng dụng thông qua đào tạo nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào các dự án tập trung tại 9 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 12 giống dược liệu quí đã được cấp bằng bảo hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và được đưa vào sản xuất - kinh doanh.
|
|
Chị cũng góp công không nhỏ trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đổi mới đến quản lý rừng và đất rừng bền vững ở miền núi phía Bắc và tác động của chính sách đổi mới đến cộng đồng và quản lý rừng ở vùng Tây Nguyên. Các nghiên cứu này đã phân tích các chính sách đổi mới đặc biệt là các chính sách về đất đai và quản lý rừng của chính phủ đối với dân tộc vùng núi cao nhằm nâng cao sinh kế cho người dân như: trồng rừng, đa dạng các loại cây trồng trên một đơn vị diện tích, trồng thâm canh và xen canh các loại cây đặc sản tạo thu nhập cao...
Không chỉ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, PGS.TS Thu Hà còn là nhà quản lý giỏi khi xây dựng thành công mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong trường đại học từ 12 năm trước với 100 cán bộ như hiện nay thay vì 3 cán bộ như ngày đầu thành lập. Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp giờ đây trở thành viện nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp hàng đầu Việt Nam. Chị cũng cho ra đời doanh nghiệp khoa học đầu tiên từ chương trình 592 của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thái Nguyên, Hà Giang, Quảng Nam tạo ra hàng nghìn việc làm cho cán bộ và người dân địa phương.
Trong khoảng 12 năm trở lại đây, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã chủ trì 14 đề tài, dự án, tham gia thực hiện một số các dự án chuyển giao khoa học công nghệ cấp tỉnh và cấp Bộ. 53 bài báo được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế và Việt Nam, trong đó 18 bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài; 35 bài được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước. Chị cũng giành giải thướng cho bài viết xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bài báo xuất sắc tại hội thảo Đông Nam Á…
|
PGS.TS Trần Thị Thu Hà (thứ hai từ phải qua) nhận giải thưởng Kovalevskaia |
Để phục vụ công tác đào tạo đại học và sau đại học, từ năm 1993 đến nay, chị đã chủ biên và tham gia biên soạn 09 giáo trình, sách chuyên khảo và sách tham khảo. Trong hơn 20 năm công tác, chị đã và đang hướng dẫn 35 luận văn Thạc sĩ, 03 luận án Tiến sĩ; chủ nhiệm 8 sở hữu trí tuệ do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
Nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, 6 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhiều giải thưởng cao quý khác, mới đây, vào đúng 130 năm ngày sinh nhật Bác, PGS.TS Trần Thị Thu Hà vinh dự là nhà khoa học nữ duy nhất nhận giải thưởng Kovalevskaia.
“Vinh dự là người con xứ Nghệ, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi càng thấy giá trị của cuộc sống khi được đóng góp cho xã hội. Đất nước đang phát triển rất nhanh nhưng miền núi, vùng căn cứ địa cách mạng thực sự vẫn rất khó khăn nên tôi mong muốn dành tâm huyết để có thể đưa những vùng khó khăn phát triển, sánh vai cùng miền xuôi. Tôi cũng rất quan tâm đến học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có đam mê với khoa học và ứng dụng khoa học để phát triển cho cộng đồng của họ.
Tôi làm những việc này không cho cá nhân tôi mà cho tập thể nhà trường, học sinh, sinh viên, cho cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Mà muốn truyền cảm hứng được cho mọi người thì trước tiên mình phải là người làm thực, nói thực, hiểu biết thực và tâm huyết thực. Điều tôi vui nhất là sự ghi nhận của chính quyền, người dân địa phương đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số”, nữ PGS khiêm tốn nói./.