Những đảng viên nói khéo, làm hay

Thứ ba, 21/03/2023 16:43
Bằng sự khéo léo, linh hoạt, mềm dẻo, nói đi đôi với làm, những đảng viên người dân tộc thiểu số ở xã vùng III Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã trở thành những “đầu tàu” trong công tác “dân vận khéo” ở cơ sở.

Xung kích đi đầu trong các phong trào

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Y Theng Mdrang (SN 1984) tích cực tham gia các phong trào của buôn Khanh và được kết nạp Đảng vào năm 2008. Vinh dự ấy càng thôi thúc người đảng viên trẻ phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình.

Anh tham gia Ban Chấp hành Chi hội Cựu chiến binh buôn và đảm trách vai trò Chi hội trưởng, rồi Phó buôn và Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Khanh từ năm 2018 đến nay.

Để làm gương cho bà con, anh Y Theng ý thức được mình cần thay đổi tư duy trong cách thức phát triển kinh tế gia đình.

Thay vì chỉ trồng các loại hoa màu ngắn ngày như sắn, ngô và phụ thuộc vào nước trời, anh tập trung cải tạo đất, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê để chuyển đổi dần, đồng thời đào giếng chủ động nguồn nước tưới những tháng mùa khô.

Nói đi đôi với làm đã giúp Trưởng buôn Y Theng thay đổi được tư duy của người dân, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Cơ ngơi khang trang của gia đình đảng viên Y Theng Mdrang. 
Là người đứng đầu buôn với hơn 80% dân số người đồng bào M’nông, anh Y Theng luôn trăn trở việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc khi lớp trẻ ngày càng ít mặc trang phục truyền thống, các gia đình không còn giữ được nhiều cồng chiêng.

Vì vậy, anh đã đứng ra thành lập đội văn nghệ, cồng chiêng, vận động thanh niên tham gia tập luyện, giao lưu, biểu diễn trong các dịp lễ hội.

Đồng thời, phối hợp phục dựng lễ cúng bến nước, tổ chức Ngày hội đại đoàn kết dân tộc, Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số... tạo “sân chơi” và “đất sống” cho văn hóa truyền thống.

Đối với anh Y Theng, muốn tuyên truyền, vận động để bà con vùng đồng bào dân tộc tại chỗ thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại, hiểu được phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng nông thôn mới đòi hỏi người cán bộ cơ sở phải thực sự gương mẫu đi đầu, gần dân, hiểu dân.

Sau các cuộc họp toàn thể nhân dân, anh lại cùng trưởng các đoàn thể, người có uy tín đến tuyên truyền, vận động theo cụm dân cư và vận động cá biệt đối với những trường hợp “tư tưởng chưa thông”, nói rõ cho bà con hiểu lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới.

Anh Y Theng còn đi đầu trong việc hiến đất, đóng góp tiền, thấy vậy, các hộ trong buôn đã đồng lòng dỡ bỏ hàng rào, hiến 7.500 m2 đất mở rộng đường lên 3,5 - 4 m, cùng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để bê tông hóa 5 km đường giao thông.

Đến nay, buôn Khanh không còn đường đất, việc đi lại, học tập, vận chuyển nông sản của người dân rất thuận lợi.

Với những thành tích đó, anh Y Theng vừa được Đảng ủy xã Cư Pui tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc thực hiện chuyên đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022 về phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế và vận động nhân dân.

Nữ đảng viên người Mông đưa nghề về thôn

Những ngày cuối năm, cửa hàng bán trang phục truyền thống người Mông của gia đình chị Vương Thị Nhung (SN 1988), đảng viên Chi bộ thôn Ea Uôl luôn tấp nập người ra vào.

Sau một năm dài vất vả, những phụ nữ dân tộc Mông nơi đây đều muốn sắm sửa cho chồng con những bộ quần áo thật đẹp để đi chơi Tết. Chính vì vậy, chị Nhung và những người cộng sự gần như hoạt động hết công suất.

Chị bộc bạch, cơ duyên đến với nghề may không chỉ giúp gia đình chị cải thiện cuộc sống mà còn giúp rất nhiều phụ nữ Mông trong thôn có việc làm, tăng thu nhập.

Chị Vương Thị Nhung giới thiệu về các trang phục truyền thống của dân tộc Mông được may tại cửa tiệm của gia đình. 

Vốn là người năng động, sau khi cùng gia đình chuyển từ Cao Bằng vào sinh sống ở thôn Ea Uôl năm 2011, chị Nhung tích cực tham gia phong trào của địa phương, được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ kiêm cộng tác viên y tế thôn.

Nắm bắt được tâm lý, tập quán của người Mông thường cho con lập gia đình sớm để có thêm người làm, chị Nhung đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tỉ tê phân tích cho các hộ trong thôn hiểu hậu quả của việc tảo hôn, tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Để vận động chị em tham gia sinh hoạt hội, chị Nhung thường xuyên tổ chức các hoạt động bề nổi, giao lưu văn nghệ, trò chơi nhân dịp 8/3, 20/11, tuyên truyền về cách nuôi dạy con cái, hướng dẫn chị em vay vốn phát triển kinh tế, phối hợp vận động các gia đình đóng góp xây dựng nông thôn mới...

Những “sân chơi” và hoạt động hữu ích đó đã dần phá vỡ rào cản tâm ý e ngại, khép kín của phụ nữ Mông, số hội viên kết nạp vào tổ chức hội phụ nữ đã tăng từ 100 lên 150 người.

Năm 2015, chị Nhung vinh dự được kết nạp vào Đảng. Ý thức được trách nhiệm của người đảng viên trẻ, chị càng trăn trở tìm hướng giúp phụ nữ trong thôn phát triển kinh tế gia đình.

Vốn biết nghề may và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, sau khi tìm hiểu thị trường, chị nhận thấy nếu chỉ may quần áo học sinh thì lượng hàng rất ít, chủ yếu vào đầu năm học.

Chính vì vậy, chị tìm hiểu thông tin, mẫu mã quần áo truyền thống của người Mông trên Youtube, đặt mua vải, nguyên liệu, phụ kiện về tự cắt may và mở tiệm cho riêng mình. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều phụ nữ trong thôn đã đến xin học nghề, phụ việc tại cửa tiệm của chị hoặc nhận hàng về gia công.

Trung bình mỗi năm, chị Nhung nhận đào tạo nghề may cho 3 - 5 phụ nữ. Nhiều người đã tự mở được cửa tiệm riêng. Chị còn đứng ra kết nối, tìm kiếm các đơn hàng, tạo đầu ra cho sản phẩm của chị em trong thôn./.

Nguyễn Xuân/baodaklak.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực