|
Ông Vũ Thọ Nguyên, xã Điền Xá (Nam Trực) cùng vợ chăm sóc vườn cây của gia đình. |
Điển hình gia đình học tập
Ở xã Điền Xá, nhắc đến gia đình ông Vũ Thọ Nguyên, người dân địa phương đều ngưỡng mộ bởi tinh thần hiếu học qua nhiều thế hệ. Ông Vũ Thọ Nguyên cho biết: Sinh ra trong gia đình nho giáo, cụ thân sinh ông thường răn dạy các con về tinh thần hiếu học và các anh, em trong gia đình đều cố gắng học hành chăm chỉ. Bên cạnh truyền thống gia đình, tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng để chàng thanh niên Vũ Thọ Nguyên thuở đó tự nghiên cứu các tài liệu học thuật, nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Năm 1959, ông trở thành giáo viên tiểu học; năm 1966 hoàn thành hàm thụ giáo viên cấp 2 rồi học đại học chính quy năm 1971. Sau đó ông lần lượt công tác tại Ty Giáo dục Nam Hà, Ty Giáo dục Hà Nam Ninh (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định); Công đoàn Viên chức tỉnh (nay là Liên đoàn Lao động tỉnh).
Trong quá trình công tác, ông đã tự học thêm tiếng Nga và tốt nghiệp với tấm bằng C. Ông chia sẻ: “Chỉ nói riêng về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tôi luôn tự răn bản thân phải gương mẫu, đi đầu, làm đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt phải thấm nhuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bản thân tôi đã đọc, tìm hiểu nhiều tài liệu, thông tin về tấm gương của Bác, luôn thực hiện những lời dạy của Bác trong công việc và cuộc sống”. Vợ chồng ông có 7 người con. Với quyết tâm cho các con ăn học đủ đầy, ngoài các giờ lên lớp, vợ chồng ông thay nhau dạy các con vào các buổi tối. Hàng đêm, lúc các con học, ông cũng tranh thủ nghiên cứu các tài liệu để làm gương cho các con. Một trong những kỷ vật của gia đình ông hiện nay vẫn được gìn giữ cẩn thận đó là chiếc xe đạp đã sờn sơn. Chiếc xe là tài sản giá trị nhất của gia đình dùng để chở những người con của ông học ở trường chuyên huyện Nam Trực đặt tại gia đình của cố Nhà giáo Ưu tú Trần Thận (nay là Trường THCS Nguyễn Hiền) cách nhà 15 cây số.
Với sự quan tâm của vợ chồng ông, các con ông đều chăm ngoan, học giỏi. 2 người con gái đầu của ông là giáo viên THCS; 4 người con có học vị tiến sĩ; 1 người con là bác sĩ; 16 cháu, 9 chắt nội ngoại đều là học sinh giỏi các cấp. Trong đó, cháu nội ông từng đoạt Huy chương Bạc Toán Olympic Quốc tế tại Hàn Quốc. Là tấm gương cho cộng đồng và con, cháu noi theo trong sự nghiệp giáo dục, năm 2019 ông được Hội Khuyến học tỉnh vinh danh là 100 gương điển hình hiếu học ở Nam Định. Nhiều năm liền gia đình ông được công nhận gia đình văn hóa; Hội Khuyến học huyện công nhận gia đình hiếu học.
Tích cực tham gia các hoạt động xã hội
Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Vũ Thọ Nguyên đã tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Đặc biệt trong phong trào khuyến học, khuyến tài của xã, ông Nguyên là người góp công lớn trong việc xóa bỏ tình trạng “trắng” chi hội khuyến học của địa phương. Theo đó, năm 1996, ông khởi xướng thành lập dòng họ khuyến học đầu tiên của xã. Từ nguồn đóng góp của các hộ gia đình, những năm qua, phong trào khuyến học dòng họ Vũ được duy trì nền nếp. Vào dịp giỗ tổ hàng năm, con cháu xa gần lại tề tựu. Sau các nghi lễ tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, cả họ cùng thực hiện việc biểu dương, khen thưởng con em có thành tích trong học tập. Phần thưởng không nhiều, chỉ những cuốn vở viết, cùng một số tiền mang ý nghĩa khích lệ, đã góp phần động viên con em trong họ phấn đấu vươn lên trong học tập. Năm 2001, ông là Chủ tịch Hội Khuyến học, khuyến tài của xã. Dưới sự “chèo lái” của ông cùng BCH Hội, phong trào khuyến học, khuyến tài của xã phát triển, nhiều năm liền đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc của Hội Khuyến học huyện. Từ việc không có chi hội khuyến học, đến năm 2008, ông đã gây dựng 18 chi hội khuyến học ở các xóm và các dòng họ.
Sau khi đặt nền móng phong trào khuyến học của địa phương, vì lý do sức khỏe nên ông thôi làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã. Đau đáu với sự nghiệp giáo dục, năm 2016, ông Nguyên thành lập Hội Làng văn làng Đỗ Xá (tiền thân là hội Tư Văn) - một biểu tượng của học vấn tri thức ở địa phương. Đến nay, BCH Hội Làng văn làng Đỗ Xá có 20 người và hơn 300 hội viên gồm các tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và một số doanh nhân đồng hành. Cùng với thành lập hội, ông đã vận động con em xa quê, các mạnh thường quân đóng góp xây dựng văn chỉ (Miếu) thờ Khổng Tử với kinh phí trên 1 tỷ đồng trong khuôn viên đình làng là nơi tôn vinh, khen thưởng con em có học vị cao vào ngày 1/1 dương lịch hàng năm. Góp phần xây dựng xã hội học tập, ông đã lãnh đạo Chi hội Khuyến học Hội Làng văn xây dựng tủ sách cộng đồng tại đình làng với gần 2.000 đầu sách các loại và 10 bộ máy tính kết nối mạng internet phục vụ miễn phí cho học sinh và người dân đến nghiên cứu. Đảm nhiệm Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nam Xá xã Điền Xá, ông đã vận động hội viên phát triển nhiều CLB văn hóa, thể dục - thể thao như: Cờ tướng, bóng bàn, cầu lông… Đặc biệt, ông đã duy trì hoạt động mời cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về địa phương nói chuyện thời sự với các hội viên người cao tuổi vào dịp ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc khánh 2/9.
Cùng với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, phong trào người cao tuổi, ông còn góp phần gìn giữ các di sản văn hóa của địa phương. Từ năm 1968, ông đã dày công thuyết phục những bậc cao niên giỏi chữ Hán Nôm dịch thuật các văn tự ở các đình, chùa địa phương. Năm 1984, ông bắt đầu biên soạn và sắp xếp các tư liệu thành tập sách về nguồn gốc, lịch sử hình thành, nhân vật thờ tự liên quan đến các ngôi đình, đền của xã. Tập sách của ông Vũ Thọ Nguyên là nguồn tư liệu quý để các cán bộ Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh (nay là Bảo tàng tỉnh) tham khảo hoàn thành lý lịch di tích trình các cấp thẩm quyền ra quyết định công nhận di tích lịch sử - văn hóa cho các di tích: Đền Cả, Đền Đông làng Đỗ Xá; Từ đường họ Vũ xã Điền Xá.
Đồng chí Vũ Trọng Nhuế, Bí thư Chi bộ thôn Trung, xã Điền Xá cho biết: “Ông Vũ Thọ Nguyên luôn là tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông đã có nhiều đóng góp trong phong trào khuyến học, khuyến tài, gìn giữ các di sản văn hóa địa phương. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, gia đình ông đã tích cực đóng góp ủng hộ về vật chất; đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên, người dân tham gia hiến đất làm đường, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của thôn Trung và xã Điền Xá. “Tuổi cao trí càng cao”, với những đóng góp không ngừng nghỉ, ông Vũ Thọ Nguyên là tấm gương góp phần đưa việc học và làm theo Bác lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng./.