Thầy giáo trẻ truyền lửa đam mê lịch sử qua những vần thơ lục bát

Thứ năm, 27/10/2022 14:42
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Thầy giáo Lê Văn Cường, giáo viên trường THPT Cảm Ân (Yên Bình - Yên Bái) được nhiều đồng nghiệp và học sinh biết đến là thầy giáo trẻ đam mê sáng tạo với nhiều cuốn sách thơ lục bát kể lịch sử nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh thêm yêu môn học, tự hào về lịch sử dân tộc và hứng thú tìm hiểu, khám phá lịch sử thế giới.

Miệt mài sáng tạo 

Dạy học tại trường THPT Cảm Ân (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), đóng trên địa bàn vùng cao tỉnh, nơi có số đông học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện sống, học tập còn nhiều khó khăn, vì vậy, trong những năm qua thầy giáo Lê Văn Cường cùng tập thể cán bộ, giáo viên trường THPT Cảm Ân đã không ngừng vượt mọi gian khó, tìm tòi những giải pháp để đổi mới, sáng tạo, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong quá trình vượt khó ấy, thầy giáo Lê Văn Cường là tấm gương nhà giáo trẻ đã miệt mài đổi mới, sáng tạo để biến niềm đam mê của bản thân trở thành những giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo sức lan tỏa, góp phần vào phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” của Nhà trường cũng như Ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái.

Thầy giáo Lê Văn Cường chia sẻ kinh nghiệm và tặng sách cho đồng nghiệp ở các nhà trường trong và ngoài tỉnh. 

Xuất phát từ thực tế trong nhà trường phổ thông hiện nay, môn Lịch sử là môn học tuy có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc nhưng do khối lượng kiến thức gồm cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại khá lớn điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến niềm yêu thích, chất lượng học tập của học sinh đối với môn học. Vì vậy, thầy giáo Lê Văn Cường đã có ý tưởng sáng tạo và bắt tay vào thực hiện từ năm 2016, kết hợp khả năng sáng tác thơ lục bát với kiến thức lịch sử để viết các tác phẩm kể lịch sử bằng thơ lục bát với độ dài đạt đến kỷ lục.

Cô giáo Lưu Khánh Linh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Cảm Ân chia sẻ: “Từ năm 2016 đến nay, thầy giáo Lê Văn Cường không ngừng sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm kể lịch sử bằng thơ lục bát. Thầy là tấm gương sáng về nhà giáo trẻ miệt mài đổi mới, sáng tạo”.

Khi bắt tay vào thực hiện các dự án sáng tạo kể sử qua thơ, thầy Lê Văn Cường chia sẻ rằng bản thân thầy gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Trong đó, khó khăn nhất là ở Việt Nam chưa có tác phẩm viết sử bằng thơ dài và hoàn chỉnh về kiến thức lịch sử, gần với thời hiện đại. Vì thế, trong quá trình làm, thầy Cường phải tự nghiên cứu, tự biên soạn và xuất bản. Đồng thời, thầy luôn dành thời gian để đọc thêm nhiều tài liệu về lịch sử, thơ ca để việc chuyển thể từ lịch sử sang thơ được dễ dàng hơn.

Thầy giáo Lê Văn Cường cho biết, phương châm quan trọng khi tạo lập những tác phẩm kể sử bằng thơ là đòi hỏi phải đảm bảo tính nghệ thuật trong phong cách văn chương, tính chân thật về sự kiện lịch sử. Thầy đã lựa chọn thể thơ lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc, dễ thuộc, dễ nhớ, gần gũi với lời ăn tiếng nói của Nhân dân lao động nên có thể chuyển tải những tri thức lịch sử một cách phù hợp và giúp cho học sinh, người dân dễ dàng tiếp cận.

Thầy Lê Văn Cường chia sẻ: “Ý tưởng sáng tạo của tôi nhằm giúp học sinh có thêm kênh tư liệu về lịch sử, khiến cho những kiến thức lịch sử bớt đi tính hàn lâm, trở nên gần gũi với cuộc sống. Từ đó, các em học sinh sẽ yêu thích học môn Lịch sử hơn. Tôi nghĩ, muốn học sinh đam mê trước hết thầy cô phải thắp lửa niềm đam mê”.

Trái ngọt mùa vàng

Bằng sự nỗ lực không ngừng, niềm đam mê cháy bỏng, các tác phẩm kể sử bằng thơ lục bát do thầy Cường sáng tác lần lượt ra đời. Đó là tác phẩm đầu tay: “Đại cương thế giới sử thi”, NXB Hội nhà văn, Quý I/2016, viết lịch sử thế giới từ nguyên thủy đến 2015 bằng 3.456 câu thơ lục bát, đồng thời vận dụng hình thức sử dụng thơ ca trong đổi mới phương pháp dạy học lịch sử hiệu quả và sáng tạo. Năm học 2016-2017, thầy Cường tham gia hội thi “Sáng tạo kĩ thuật tỉnh Yên Bái” lần thứ VII với sáng kiến “Sáng tác tác phẩm “Đại cương thế giới sử thi” bằng thơ lục bát nhằm đổi mới phương pháp dạy-học lịch sử thế giới ở trường phổ thông” đạt giải nhì Hội thi (ngày 15/12/2016), được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. Tác phẩm tiếp tục được Tỉnh Đoàn Yên Bái lựa chọn tham dự Hội thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2016 do Trung ương Đoàn và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức. Hội Liên hiệp KHKT tỉnh cũng lựa chọn tác phẩm tham dự Hội thi Sáng tạo kĩ thuật Việt Nam lần 14.

Đến tháng 4 năm 2018, thầy giáo Lê Văn Cường tiếp tục xuất bản “Việt Nam theo dấu sử ca” NXB Hội nhà văn, viết lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến năm 2016 bằng 36.888 câu thơ lục bát. Gần đây nhất là tác phẩm “Yên Bái ghi dấu sử thiên” viết lịch sử Yên Bái từ thời tiền sử đến 2020 dài 9.037 câu, sách dày 444 trang do NXB Thanh niên ấn hành năm 2021. Tác phẩm “Ngang trời mây đỏ thiên thơ”, dài 10.398 câu, chuyển thể tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ” của nhà văn Ngọc Bái thành truyện thơ lục bát lịch sử Khởi nghĩa Yên Bái. Truyện thơ được chia làm 18 chương, sách dày 515 trang, do nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2021.

Bên cạnh đó, thầy giáo Lê Văn Cường còn chuyển thể tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài sang thơ lục bát dài 4.067 câu với tên gọi Dế Mèn lục bát phiêu lưu ký nhằm thay đổi cách tiếp cận văn học phổ thông trong thời gian qua. Thầy còn tham gia giúp các Đảng bộ và nhân dân địa phương tuyến quốc lộ 70 biên soạn 03 cuốn Lịch sử địa phương các xã Cảm Ân, Tân Hương, Đại Đồng thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Cho đến nay, thầy giáo Lê Văn Cường đã tự mình nghiên cứu, sáng tác và xuất bản được 11 đầu sách phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử và văn học nghệ thuật Yên Bái và Việt Nam. Trong đó, có 04 cuốn chuyên khảo về thơ lục bát lịch sử, 3 cuốn lịch sử Đảng bộ xã, 04 cuốn thơ văn học nghệ thuật; 02 sáng kiến cấp tỉnh đạt giải Cuộc thi Sáng tạo kĩ thuật tỉnh và 08 sáng kiến cấp ngành được công nhận. 

Điều đặc biệt khi nói về những tác phẩm của thầy giáo Lê Văn Cường, đó là trong số 04 cuốn sách kể sử bằng thơ được xuất bản trong 5 năm qua, căn cứ vào sự độc đáo về nội dung, hình thức và độ dài về dung lượng câu thơ trong mỗi tác phẩm, đã có 04 tác phẩm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietsking) xác lập kỷ lục Việt Nam. Đó là tác phẩm “Đại cương Thế giới sử thi” dài 3.456 câu thơ lục bát với kỷ lục: “Người viết tác phẩm Đại cương Thế giới sử thi bằng thơ lục bát dài nhất”; tác phẩm: “Việt Nam theo dấu sử ca” dài 36.888 câu thơ lục bát đạt kỷ lục “Tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 2016 bằng nhiều câu thơ lục bát nhất”; các tác phẩm:“Yên Bái ghi dấu sử thiên” dài 9.037 câu thơ lục bát và “Ngang trời mây đỏ thiên thơ” dài 10.398 câu thơ lục bát đạt kỷ lục “Người viết truyện thơ về lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái bằng nhiều câu thơ lục bát nhất”.

Việc xác lập kỷ lục của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam là sự ghi nhận quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của thầy giáo Lê Văn Cường để cho ra đời những tác phẩm độc đáo không chỉ về nội dung mà còn sáng tạo cả về hình thức thể hiện. Thầy giáo Đỗ Vũ Thư, Phó Hiệu trưởng trường THPT Cảm Ân cho rằng: “Thầy giáo Lê Văn Cường là nhà giáo trẻ tâm huyết với nghề, miệt mài sáng tạo và đóng góp hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng môn Lịch sử và các hoạt động giáo dục của Nhà trường”.

Tiếp tục truyền lửa đam mê lịch sử

Những cuốn sách kể sử bằng thơ của thầy giáo Lê Văn Cường đã góp phần không nhỏ vào việc đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử, tạo sự lan tỏa tích cực không chỉ đối với tập thể trường THPT Cảm Ân mà còn đối với Ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái cũng như các tỉnh khu vực phía Bắc. Những vần thơ đậm chất thơ ca, giàu chất sử ca, học sinh Nhà trường có hứng thú học môn Lịch sử hơn. Những kiến thức Lịch sử vốn dĩ tưởng như khô khan, hàn lâm lại được các em học sinh người dân tộc Tày, Dao, Cao Lan…đón nhận với một tâm thế của những người chủ động và tích cực. Thầy Cường đã là người truyền cảm hứng, truyền lửa sáng tạo đối với các em học sinh. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa qua, điểm bình quân môn Lịch sử của Nhà trường đạt 6.52, cao hơn mức bình quân điểm môn Lịch sử của tỉnh Yên Bái và cả nước.

Em La Tiến Đạt, dân tộc Cao Lan, học sinh trường THPT Cảm Ân chia sẻ: “Giờ dạy Lịch sử của thầy giáo Lê Văn Cường đã giúp chúng em có những trải nghiệm quan trọng về kiến thức lịch sử. Phương pháp dạy của thầy nhẹ nhàng, tự nhiên và dễ hiểu”. 

Những kết quả từ sự đam mê sáng tạo của thầy giáo Lê Văn Cường trong suốt những năm học qua là “những trái ngọt tri thức” của một nhà giáo trẻ nơi vùng cao Yên Bái cần mẫn, miệt mài và tạm gác lại những khó khăn thường nhật để góp phần không nhỏ vào việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Ghi nhận sự đóng góp ấy, thầy giáo Lê Văn Cường đã 10 lần được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Bộ GD&ĐT; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen (2 lần); Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái tặng Giấy khen; Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Cảm Ân tặng Giấy khen cùng nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật cấp tỉnh, giải giáo viên giỏi, giải thể thao cấp tỉnh…Cá nhân thầy Cường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đối với thầy Lê Văn Cường, đó là sự ghi nhận để minh chứng cho những đổi mới, sáng tạo của bản thân trong quá trình công tác. Và điều quan trọng đó là sự đón nhận một cách chủ động của học sinh, sự chia sẻ của đồng nghiệp trong và ngoài Nhà trường, sự lan tỏa và tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân và các địa phương nơi thầy Cường công tác.

Khi hỏi về những ấp ủ và dự định trong hiện tại cũng như tương lai về sự tiếp nối những đam mê sáng tạo, thầy giáo Lê Văn Cường không ngần ngại chia sẻ rằng: “Hiện tại tôi đã hoàn thiện bản thảo các cuốn: Lục bát Lá cờ thêu sáu chữ vàng, dài 3.154 câu lục bát; Nguyễn Sinh Côn - Bông sen vàng, dài 9.072 câu lục bát; Truyện Kiều 7 chữ. Đồng thời, tôi đang chuyển thể tác phẩm Lều chõng (Ngô Tất Tố) sang thể thơ lục bát mang tên Lục bát Lều chõng đi thi; biên soạn 1 cuốn sách chuyên khảo về Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930; viết thơ thiếu nhi, thơ trữ tình văn học nghệ thuật...”. Những việc làm mà thầy giáo Lê Văn Cường đang thực hiện đã thể hiện cho mạch cảm hứng sáng tạo không ngừng để rồi trong thời gian không xa, niềm đam mê và sự sáng tạo ấy sẽ tiếp tục hứa hẹn những mùa vàng bội thu./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực