Xiêng Văn A Bứt - Người chiến sĩ Biên phòng “3 cùng” với dân

Thứ hai, 11/12/2023 15:08
(ĐCSVN) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Tây Nguyên nên Thiếu tá Xiêng Văn A Bứt hiểu rõ nguyên nhân đói nghèo của người dân nơi đây. Sau khi được đơn vị phân công giúp gia đình anh A Biên thoát nghèo, Thiếu tá Xiêng Văn A Bứt đã kiên trì vận động, giúp anh A Biên chuyển biến nhận thức và hành động, quyết tâm vươn lên thoát nghèo…

Thấu hiểu và chia sẻ…

Là một người lính Biên phòng, Thiếu tá Xiêng Văn A Bứt (nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Long, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) luôn nỗ lực cùng đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ Đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, các đơn vị trực thuộc tiến hành cử cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số đỡ đầu gia đình khó khăn trên địa bàn.

Vì vậy, từ năm 2021 đến nay, Thiếu tá Xiêng Văn A Bứt được đơn vị giao phụ trách, giúp gia đình anh A Biên (đồng bào dân tộc H’lăng, trú tại thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) thay đổi nhận thức, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là thay đổi phương thức canh tác để phát triển kinh tế  gia đình.

Thiếu tá Xuyêng Văn A Bức và anh A Biên kiểm tra cây cà phê của gia đình. 

Theo Thiếu tá Xiêng Văn A Bứt, trong thời gian đầu khi được đơn vị phân công giúp đỡ gia đình anh A Biên, anh đã suy nghĩ nhiều, phải làm sao để trong thời gian ngắn, anh A Biên có thể thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn.

“Mình đã gặp và nói chuyện với anh A Biên và trải lòng với anh rằng mình cũng là con em đồng bào Tây Nguyên, cũng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên giàu tài nguyên và tiềm năng kinh tế này nên rất hiểu cái khó của A Biên và nhiều gia đình khác. Liên tục gặp gỡ, tâm sự, chia sẻ và chỉ cách để A Biên hiểu và biết về cách làm giàu trên mảnh đất của mình, dần dần anh A Biên từ sự tự ti do khó khăn, nghèo đói, con đông, thiếu quyết tâm vươn lên đã dần hiểu và “chịu” nghe theo mình" - Thiếu tá Xiêng Văn A Bức cho biết.

Nhờ đó giờ đây, kinh tế gia đình anh A Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Khó khăn về kinh tế được giải quyết, các vấn đề khác cũng dần tốt hơn, nhất là việc thay đổi tư duy, nhận thức không trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; từng bước thay đổi cách canh tác, làm ăn, biết trồng và nuôi các loại cây, con hiệu quả; việc học hành của con cái có tiến bộ; các thành viên trong gia đình từ vợ, chồng, con cái cũng quan tâm yêu thương nhau, từ bỏ dần những nếp nghĩ, cách sống và những tập tục lạc hậu để vươn lên trở thành một trong những nông dân có đời sống kinh tế ổn định, phát triển nhất, nhì tại địa phương.

Theo thiếu tá Xiêng Văn A Bứt: “Kết quả từ sự chuyển biến về nhận thức và hành động của anh A Biên trong sản xuất và đời sống như ngày nay được bắt nguồn từ sự đồng cảm, chia sẻ giữa mình và anh ấy. Vốn là một nông dân người đồng bào dân tộc H’lăng nên anh A Biên rất bộc trực. Một khi đã chịu “nghe” mình rồi thì mình nói, hướng dẫn anh ấy đều nghe theo. 

Gắn bó “3 cùng”

Ngay sau khi lãnh đạo đơn vị giao phụ trách “việc của nhà anh A Biên”, Thiếu tá Xiêng Văn A Bức đã dành thời gian tìm hiểu gia cảnh của gia đình anh A Biên và nhiều hộ dân khác tại thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei. Qua tìm hiểu, anh biết gia đình anh A Biên có đất trồng cà phê nhưng A Biên giao hết cho vợ, còn mình đi làm thuê kiếm tiền lo cuộc sống gia đình mỗi ngày. Trong khi đó, vợ chồng anh A Biên lại có con đông, con nhỏ nên càng khó khăn hơn.

Nắm rõ gia cảnh của anh A Biên, Thiếu tá Xiêng Văn A Bức đã đến nhà gặp vợ chồng anh A Biên. Qua tâm sự và chia sẻ của Thiếu tá Xiêng Văn A Bức, anh A Biên đã hiểu việc “nói là làm” của người cán bộ này.

“Thấu hiếu được hoàn cảnh của mình, Thiếu tá Xiêng Văn A Bức đã thuyết phục mình tập trung làm rẫy của mình. Anh còn ngồi với mình nhiều ngày để cùng bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể về việc chăm sóc rẫy cà phê phù hợp với thực tế và hiệu quả hơn. Thiếu tá Xiêng Văn A Bức cũng bảo mình nên dành ra 2ha trồng mì (sắn) để “lấy ngắn nuôi dài”. Qua hướng dẫn của Thiếu tá Xiêng Văn A Bức, cách của mình không như nhiều gia đình khác là thu hoạch một lúc mà sắn để lâu năm thì củ to, lượng tinh bột nhiều hơn sẽ có giá thành cao hơn. Khi nào gia đình cần tiền, mình sẽ nhổ sắn đủ với số tiền cần đến, số còn lại coi như của để dành”- Anh A Biên cho cho biết. 

Để thuyết phục anh A Biên, Thiếu tá Xiêng Văn A Bức áp dụng chủ trương “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để gần gũi, kiên trì giúp anh A Biên. Với sự gắn bó đó, Thiếu tá Xiêng Văn A Bức và anh A Biên trở thành đôi bạn thân, gắn bó như anh em một nhà.

Qua thời gian hơn 02 năm kể từ ngày đơn vị giao giúp đỡ gia đình anh A Biên, đến nay thành quả bước đầu của sự chia sẻ, giúp đỡ đó của Thiếu tá Xiêng Văn A Bức đã đơm hoa, kết quả. Giờ đây, anh A Biên luôn dồn tất cả tâm huyết của mình vào rẫy cà phê 1.700 gốc. Những lúc rảnh rỗi, anh lại vào youtube để xem hướng dẫn cách chăm sóc cà phê sao cho tốt quả mà không hại cây. Anh Biên rất tự hào khi mỗi gốc cà phê của mình có năm cho tới 40kg quả, điều mà ở Đăk Ôn chắc chỉ có anh mới làm được.

Không chỉ ổn định và có kinh tế phát triển, anh A Biên còn lo cho các con học tập để có nghề nghiệp sau này. Nói về việc học của con, anh A Biên cho biết, ở Đăk Ôn quê anh, do điều kiện miền núi khó khăn, đường xá đi lại xa xôi, vất vả là những lí do để trẻ em thường nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp 2. Thế nhưng, gia đình anh lại khác. Vợ chồng anh có tất cả 6 người con, trừ người con đầu đã lấy chồng thì 5 người con còn lại đều được quan tâm, đầu tư việc học hành. Con trai thứ hai tên A Tiến hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng. Con thứ 3 là A Gia Khơi học lớp 12 ngoài trung tâm huyện. Các con gái Y Lệ Kha, Y Lệ Uyên, Y Lệ Ương luôn được vợ chồng anh khuyến khích chăm học.

Nhờ sự quan tâm, động viên của Thiếu tá Xiêng Văn A Bức nên vợ chồng anh quyết tâm cho con học cao để có việc, đảm bảo cuộc sống sau này. Con gái Y Lệ Ương qua đầu mối giới thiệu, kết nối của Thiếu tá Xiêng Văn A Bức còn được  Đồn Biên phòng Đăk Long nhận đỡ đầu theo chương trình nâng nước em đến trường- Con nuôi Đồn Biên phòng. Anh A Biên cho biết “gia đình đầu tư cho các con học hành để các cháu có kiến thức, nếu trở thành cán bộ thì tốt, không thì có trình độ làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Mình và vợ rất hạnh phúc khi thấy các con trưởng thành, chăm học và một điều quan trọng nữa là biết thương yêu, nghe lời cha mẹ, không đua đòi tụ tập uống rượu, quậy phá...”.

Thiếu tá Xêng Văn A Bức thường xuyên quan tâm đến việc học của Y Lệ Ương, động viên cháu học tập tốt.  

Nói về những nỗ lực và kết quả của Thiếu tá Xiêng Văn A Bức sau hơn 02 năm thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo đơn vị giao để giúp gia đình anh A Biên thoát nghèo, Đại tá Phạm Văn Lâm, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum khẳng định: “Với tinh thần và trách nhiệm của người cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, thực hiện chủ trương cử cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số đỡ đầu gia đình khó khăn trên địa bàn đóng quân của lãnh đạo đơn vị giao cho, Thiếu tá Xiêng Văn A Bức đã năng nổ, phát huy năng lực, kinh nghiệm trong công tác, luôn gần gũi tìm hiểu, vận động, hỗ trợ gia đình anh A Biên- Một hộ dân tộc H’lăng tại thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei. Thiếu tá Xiêng Văn A Bức đã từng bước giúp anh A Biên thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán, thói quen canh tác lạc hậu; vận dụng, áp dụng mô hình sản xuất mới và mang lại nhiều kết quả thiết thực trong sản xuất và đời sống gia đình. Đến nay, gia đình anh Biên đã thoát nghèo, vươn lên từ chính mảnh vườn cà phê của gia đình, trở thành một điển hình ở địa phương”.

Đại tá Phạm Văn Lâm cho biết thêm, từ thành công của mô hình kinh tế của gia đình anh A Biên, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đăk Ôn nói riêng và xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum nói chung cũng đã học hỏi để thoát nghèo. Hiện Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Long và Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đang tiếp tục động viên các cán bộ, chiến sĩ người đồng bào khác học tập cách vận động của Thiếu tá Xiêng Văn A Bức nhằm tiếp tục nhân rộng, lan toả phong trào thi đua giúp nhân dân là người đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo tại địa bàn đóng quân.

Có thể nói, trên những nền tảng kết quả ban đầu khi gắn bó với Nhân dân, bản thân Thiếu tá Xiêng Văn A Bức nói riêng và chủ trương đưa cán bộ là người đồng bào dân tộc xuống giúp đồng bào nghèo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum thời gian qua mang lại nhiều kết quả tích cực, khẳng định sự đúng hướng của chủ trương này nhằm không ngừng phát huy vai trò của cán bộ người địa phương trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ở các địa bàn miền núi, biên cương đất nước./.

Bài, ảnh: Đình Tăng- Trúc Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực