Mang điều tốt đẹp nhất đến với bệnh nhân

Thứ sáu, 04/12/2015 15:24
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu - Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, trong giai đoạn vừa qua, các phong trào thi đua yêu nước ngành Y tế đã không ngừng đổi mới, gắn chặt với các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành đối với từng lĩnh vực cụ thể.

TS-BS Vũ Mạnh Hà khám bệnh cho bà con dân tộc vùng sâu. (Nguồn: thaythuoctre.org.vn)

Nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua của ngành đã đóng góp không nhỏ vào thành công chung của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

* Người đặt nền móng cho phẫu thuật nhi Bình Định 

Với quan điểm khoa học phải chứng minh bằng thực tiễn, hơn 30 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Phạm Văn Phú, Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định không ngừng nghiên cứu những phương pháp điều trị mới. 

Thi đỗ Trường Đại học Y Huế, đến năm thứ 5, bác sĩ Phạm Văn Phú được chọn vào lớp Ngoại khoa. Ra trường, anh được phân về Bệnh viện Đa khoa Tuy Phước, sau đó, chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Vài năm sau, bác sĩ Phú được cử đi học lớp đào tạo phẫu thuật nhi ở Viện Nhi Trung ương. Thời điểm này, mỗi tỉnh được cử một bác sĩ đi học, nhưng nhắc đến phẫu thuật nhi, ai cũng “ngán” bởi nó cực kỳ phức tạp và tinh tế, vì vậy, kết thúc một tháng đào tạo, mọi người đều rút về, chỉ có bác sĩ Phú được bệnh viện cử quay lại học thêm 6 tháng. Với sự tình cờ này, bác sĩ Phú dần yêu thích lĩnh vực này. 

Theo bác sĩ Phú, thành công đối với một bác sĩ ngoại khoa cần nhiều yếu tố. Đó là kiến thức, kỹ năng thực hành, cách ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…; trong đó quan trọng nhất là phải tinh tế để có quyết định nhanh, chính xác cách xử lý bệnh. Ngay từ khi còn đi học, anh luôn có thói quen ghi lại tất cả những diễn biến, quan sát những thao tác dù là nhỏ nhất của các thầy sau các buổi phụ mổ. Những điều chưa hiểu, anh đọc sách, chưa thông thì hỏi thầy. Sau 8 tháng học thêm phẫu thuật nhi, anh học thêm các lớp chuyên khoa I và chuyên khoa II ở thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao tay nghề. Hiện nay, bình quân mỗi năm, bác sĩ Phú mổ vài trăm ca bệnh. 

Tại Việt Nam, ba phương pháp Swenson, Duhamel và Soave trong phẫu thuật bệnh phình đại tràng bẩm sinh chỉ được thực hiện khu trú ở các trung tâm phẫu thuật lớn như: Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng I và II Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1993, lần đầu tiên bác sĩ Phú đã dùng phẫu thuật Swenson mổ làm ba thì cho bệnh nhi phình đại tràng bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Bốn năm sau, anh cải tiến phẫu thuật Swenson một thì thành công, được báo cáo tại hội nghị khoa học hàng năm lần thứ ba do Hội Ngoại Nhi Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Hội nghị Ngoại Nhi Toàn quốc. 

Có thể nói, bác sĩ Phạm Văn Phú là người đặt nền móng cho phẫu thuật nhi ở Bình Định. Năm 2005, anh áp dụng phẫu thuật Soave qua ngã hậu môn cho bệnh nhân phình đại tràng bẩm sinh và tiếp tục cải tiến. Bác sỹ Phú kể: sau mổ nếu miệng nối của bệnh nhân bị hẹp, phải dùng bộ nong Hegar với nhiều kích cỡ để nong ra, nhưng bệnh viện không đủ cung cấp cho bệnh nhân mang về nhà. Anh đã nảy ra sáng kiến dùng những cây nến vuốt theo kích thước của bộ nong Hegar; khi nong dùng bao cao su đã có sẵn chất bôi trơn hoặc dùng ngón găng cắt ra bao lên đầu nến, rồi dùng dầu bôi trơn để nong. 

Từ năm 2011 đến nay, bác sĩ Phú đã có nhiều đề tài mang tính khả thi và được đánh giá cao. Có thể kể đến đề tài “Đánh giá kết quả phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em mà không sử dụng kháng sinh”. Quy trình mới này hoàn toàn không dùng kháng sinh. Vết mổ được khâu chỉ tiêu luồn dưới da, sau mổ không cần thay băng cắt chỉ hay tiêm kháng sinh. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt về mặt kinh tế, bệnh nhân và người nhà không phải nằm viện lâu nhiều tốn kém. Hay, đề tài “Nghiên cứu cải tiến kỹ thuật phương pháp dẫn lưu giảm áp miệng nối trong phẫu thuật cắt nối đại tràng cấp cứu do ung thư đại tràng có biến chứng”, đề tài “Quy trình trị bệnh Hirschsprung ở trẻ em”… đều mang lại những lợi ích thiết thực. 

Hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ Phú không thể nhớ chính xác số đề tài nghiên cứu khoa học đã làm, chỉ áng chừng rằng cũng bằng ngần ấy tuổi nghề. Hầu hết đều là những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật rất có giá trị trong điều trị. Giờ đây, gần như tất cả các bệnh lý phức tạp về nhi như: u nang mật chủ, teo thực quản bẩm sinh, teo đường mật, không có hậu môn, dị dạng đường tiểu… đều được bác sĩ Phú thực hiện.

* Thắp lửa cho những ước mơ vì đôi mắt sáng 

Bệnh nhân nghèo trong tỉnh Hà Giang luôn nhắc đến bác sĩ Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện mắt Hà Giang với cái tên trìu mến “Hà mắt”, “Hà Phaco” hay “bác sĩ đem lại ánh sáng cho người nghèo”. 

Sinh ra tại Nam Định, từ nhỏ đã theo cha mẹ lên Hà Giang, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2003, bác sĩ Vũ Mạnh Hà đã lựa chọn gắn bó với mảnh đất biên cương. Nhận nhiệm vụ tại khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang trong điều kiện bộn bề khó khăn, thiếu thốn, người thầy thuốc trẻ luôn đau đáu nhiều nỗi niềm với mong muốn sẽ chung tay làm được những điều tốt đẹp cho người nghèo nơi đây. 

Luôn tận tình với bệnh nhân, tận tụy trong công việc, không ngừng học hỏi vươn lên trong chuyên môn, bác sĩ Vũ Mạnh Hà đã đạt được những thành tích đáng tự hào trong công tác. Nhiều kỹ thuật khó đã dược anh dày công học hỏi, đem về ứng dụng tại địa phương, như: mổ quặm mắt bằng phương pháp xoay sụn mi, mổ mộng bằng phương pháp vá kết mạc tự thân; nối thông lệ quản đặt silicon trong chấn thương đứt lệ quản; đặt bi trên chóp cơ trong trường hợp bỏ mắt... 

Bên cạnh đó, bác sĩ Hà còn tham gia nghiên cứu nhiều đề tài ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào điều trị các bệnh về mắt, như: “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang”; “Cải tiến cách thông tin tuyên truyền cho bệnh nhân mắc các bệnh về mắt đến khám và phẫu thuật tại Bệnh viện huyện”; “ Nghiên cứu đánh giá kết quả phẫu thuật mộng vá kết mạc tự thân điều trị mộng thịt”; “Kinh nghiệm tạo hình cùng đồ phức tạp để lắp mắt giả”…; trong đó đề tài “Nghiên cứu phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang” của anh đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá, đạt loại xuất sắc. 

Năm 2010, với các đề tài và các bài báo cáo tại Hội nghị Nhãn khoa châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), anh đã vinh dự đạt 1 trên 10 giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu khoa học trẻ tuổi (dưới 40 tuổi); được Trung ương Đoàn chọn là thanh niên tiêu biểu dự Festival Thanh niên thế giới tại Cộng hòa Nam Phi. Năm 2011, 2012 và 2013, anh được bình chọn là Thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc. Tháng 11/ 2014, anh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và nhận học vị Tiến sĩ y học với đề tài: “Nghiên cứu phẫu thuật đục thủy tinh thể tại tỉnh Hà Giang bằng hai phương pháp phaco và đường rạch nhỏ”… 

Là bác sĩ chuyên khoa mắt, ngoài công tác chỉ đạo quản lý tập thể, trong những năm qua bác sĩ Hà đã trực tiếp khám tư vấn cho hơn 30 nghìn lượt bệnh nhân; phẫu thuật miễn phí cho 5.544 bệnh nhân nghèo, kết quả sau phẫu thuật tốt, mang lại ánh sáng cho bệnh nhân mù. Anh còn trực tiếp tham gia 104 đợt khám chữa bệnh tại cơ sở, đến tận nơi vùng sâu vùng xa của tỉnh. Lồng ghép với các chương trình mổ mắt tại tuyến huyện, anh kết hợp với các tổ chức tình nguyện, từ thiện tặng quà, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, phát tiền ăn ở đi lại cho bệnh nhân trong thời gian nằm viện. 

Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Vũ Mạnh Hà còn tích cực tổ chức các phong trào tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng, an sinh xã hội; vận động quyên góp quà, quần áo ấm, thuốc chữa bệnh, muối... cho các đồng bào nghèo vùng cao biên giới; vận động đông đảo các thầy thuốc trẻ trong toàn tỉnh tham gia vào Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Hà Giang… Anh cũng vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp quyên góp ủng hộ giúp đỡ kinh phí cho Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang tổ chức các hoạt động: khám và mổ mắt miễn phí ở các huyện trong toàn tỉnh cho hơn 4.000 lượt bệnh nhân, trực tiếp mổ 850 bệnh nhân bị bệnh đục thủy tinh thể người già bằng phương pháp phaco; khám và phát thuốc tư vấn sức khoẻ, tặng quà miễn phí cho hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo ở cơ sở… Ngoài ra, bác sĩ Hà còn nhận đỡ đầu em Lý Thị Sửu, dân tộc Dao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang 9 năm nay. Hiện, em Sửu đang học ở trường Học viện Hành chính Quốc gia năm thứ 2. 

Bác sĩ Hà tâm sự: Với người thầy thuốc, việc học hỏi, học tập và tự học luôn phải song hành trong suốt quãng thời gian hành nghề. Vì vậy, anh sẽ không ngừng trau dồi cho mình kiến thức chuyên môn để đem những kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào phục vụ cho đồng bào nghèo Hà Giang, để đồng bào nghèo vốn đã thiệt thòi trong cuộc sống sẽ được chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe. 

Với tinh thần không ngại khó, ngại khổ, những người thầy thuốc trẻ luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng, mến yêu của bệnh nhân. Cuộc sống đẹp hơn khi vẫn còn nhiều những tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm như họ./. 



Phúc Hằng/TTXVN


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực