AIPA với sứ mệnh hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN

Thứ tư, 09/09/2020 17:12
(ĐCSVN) – Tiếp nối phiên họp Ủy ban Chính trị và Ủy ban Kinh tế, chiều 9/9, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp của Ủy ban Xã hội với chủ đề “Nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19”.

Nghị sỹ trẻ AIPA - nhân tố kết nối và thúc đẩy cộng đồng ASEAN

Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN

Thúc đẩy vai trò nữ nghị sỹ

Thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tuyến, dưới sự điều hành của ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Trong phiên họp diễn ra chiều 9/9, đại diện các nước đã thông qua Báo cáo của Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) lần thứ 3; Thông qua Báo cáo của Hội nghị Đối tác Nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (AIPA-ECC) và thông qua nghị quyết về nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19.

Hướng tới một cộng đồng có trách nhiệm, vì đoàn kết và thống nhất bền lâu trong ASEAN

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp.

(Ảnh: Thu Lan)

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thế giới hiện nay của chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên quy mô toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay, đã gây ra những hậu quả nặng nề, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặt gánh nặng rất lớn lên hệ thống y tế của các quốc gia, ảnh hưởng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân của mỗi quốc gia, cũng như các mục tiêu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong thời kỳ khủng hoảng do dịch bệnh hiện nay, cùng với hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu, việc thúc đẩy mở rộng các phản ứng và cơ chế khẩn cấp, cũng như đảm bảo mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của quản lý mỗi quốc gia; từ đó, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vắc-xin, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, việc chẩn đoán sớm về các bệnh nguy hiểm và trang thiết bị y tế có chất lượng, để có giá cả phải chăng và công bằng là một trong những ưu tiên để ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro của COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm khác trong quá trình phát triển bền vững của mỗi nước và của cả cô%3ḅng đồng ASEAN.

một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội mang ý nghĩa quan trọng khi hướng tới một cộng đồng có trách nhiệm xã hội, kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân, nhằm đạt được sự đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận, rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Để thực hiện được mục tiêu này, sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả giữa các Nghị viện thành viên AIPA là một yếu tố quyết định.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhắc lại, năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm cùng lúc các trọng trách là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch AIPA. Với chính sách đối ngoại rộng mở, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình hợp tác cùng các nước thông qua các cơ chế và vị trí quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc và khu vực để thúc đẩy, nâng cao vai trò và vị thế của AIPA trở thành một tổ chức liên nghị viện hoạt động thực sự hiệu quả, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của mọi công dân ASEAN.

Khẳng định vai trò của nghị viện thành viên AIPA trong thúc đẩy văn hóa cộng đồng ASEAN

Đại diện các nước tham gia phiên họp trực tuyến của Ủy ban Xã hội, chiều 9/9.

(Ảnh: Thu Lan) 

Tại phiên họp, đại diện các Đoàn đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong ứng phó với đại dịch COVID-19; khẳng định vai trò của nghị viện thành viên AIPA trong hỗ trợ thúc đẩy văn hóa cộng đồng ASEAN.

Đại diện Brunei cho biết, đang nỗ lực hợp tác để ứng phó với các thách thức của đại dịch COVID-19, trong đó tập trung vào 3 thành tố chính, gồm: Bảo đảm sức khỏe cho người dân, việc làm cho mỗi cá nhân và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đại diện Brunei cho rằng, những thách thức nảy sinh từ đại dịch COVID-19 đòi hỏi các nỗ lực chung, tinh thần đoàn kết để chiến thắng đại dịch. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, AIPA sẽ đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực

Chia sẻ về những biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong thời gian qua, đại diện Campuchia cho biết, nước này đang triển khai các biện pháp mạnh mẽ để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, phòng chống COVID-19 trong cộng đồng và chữa trị cho người nhiễm bệnh. Chính phủ Campuchia tìm cách giảm thiểu tác động chính trị, y tế, xã hội thông qua việc hỗ trợ cho người dân mất thu nhập. Các công dân Campuchia đều có đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống COVID-19 thông qua việc huy động nguồn lực từ khu vực công, khu vực tư nhân, các đối tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ.

Vào thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19, mỗi quốc gia đều tập trung vào các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập như hiện nay thì cuộc chiến chống COVID-19 cũng như quá trình phục hồi kinh tế-xã hội hậu COVID-19 không thể giải quyết triệt để ở cấp quốc gia đơn lẻ mà đòi hỏi mở rộng hợp tác quốc tế trên tinh thần đoàn kết. Về khía cạnh này, Campuchia mong muốn các nước đưa ra cách tiếp nhận gắn kết và thống nhất.

Hiện nay, nhiều nước đang trong quá trình phát triển vắc-xin chống COVID-19 và Campuchia kêu gọi coi vắc-xin là một sản phẩm hàng hóa mà mọi người đều có thể tiếp cận.

Đại diện Indonesia cho rằng đại dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức ở quy mô chưa từng có tiền lệ đối với tất cả các quốc gia, tạo ra những thay đổi ở mỗi quốc gia và toàn khu vực, song ASEAN sẽ tiếp tục mạnh mẽ tự cường trong nỗ lực ứng phó. “Chỉ khi chúng ta đoàn kết, gắn kết chủ động thì chúng ta mới có thể cùng nhau chiến thắng đại dịch như đã từng vượt qua các cuộc khủng hoảng trong quá khứ” – đại diện Indonesia nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, đại diện Indonesia cho rằng, không chỉ tạo ra những thách thức, COVID-19 còn mang lại cơ hội nâng cao sức chống chịu tự cường của ASEAN, chính vì thế cần tư duy trước 1 bước, đưa ra kế hoạch phục hồi sau đại dịch, nỗ lực thúc đẩy quảng bá du lịch để sau khi đại dịch kết thúc, chúng ta có thể quảng bá ASEAN là một địa điểm du lịch hấp dẫn. Đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để chúng ta thảo luận về các mục tiêu tăng trưởng, xây dựng lại nền kinh tế, thể hiện quyết tâm theo đuổi các cam kết về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Đây là trách nhiệm chung và đòi hỏi 1 năng lực liên tục phát triển.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam: Huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc

Tại phiên họp, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã điểm lại tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Theo ông, trong công tác phòng và điều trị COVID-19, Việt Nam đã chủ động sản xuất khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ, máy thở; nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm và làm chủ các phương pháp xét nghiệm, sàng lọc và phát hiện người nhiễm COVID-19; đặc biệt Việt Nam đã sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm COVID-19. Hiện đang nghiên cứu vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã chủ động xây dựng phác đồ điều trị dịch bệnh; bảo đảm được các loại thuốc có thể sử dụng trong điều trị COVID-19; ứng dụng công nghệ trong khai báo y tế (ứng dụng NCOVI), cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (ứng dụng Bluezone); triển khai nhiều giải pháp mới trong khám chữa bệnh được triển khai như khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh qua phần mềm điện tử, khám chữa bệnh tại nhà.

Về mục tiêu ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (các chính sách về miễn, giảm hoặc gia hạn nộp thuế; hạ lãi suất cho vay...); bảo đảm an sinh xã hội (trợ cấp đối với một số nhóm đối tượng); phát động cuộc vận động "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19"; chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp tung tin giả về dịch bệnh gây hoang mang dư luận...

Trong công tác truyền thông xã hội về dịch bệnh, toàn bộ hệ thống báo chí, thông tin đã được huy động vào cuộc.

Quốc hội đã hành động kịp thời để bảo đảm hành lang pháp lý khi triển khai các biện pháp chống dịch COVID-19 (giãn cách xã hội, cách ly người bệnh, người nhập cảnh 14 ngày); thông qua ngân sách thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ để  hỗ trợ sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19; thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc triển khai gói hỗ trợ Điều chỉnh ngân sách theo hướng thúc đẩy đầu tư công, phục hồi phát triển kinh tế; Ban hành các Nghị quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Đến nay về cơ bản đã kiểm soát tốt, ngăn chặn thành công làn sóng lây nhiễm thứ 2 và đến hôm nay đã 7 ngày liên tiếp Việt Nam chưa phát hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng./.

Thu Lan - Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực