Bảo vệ người tiêu dùng trước tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Thứ hai, 15/08/2022 18:37
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Để giúp người tiêu dùng tránh những phiền toái từ những tin nhắn rác, cuộc gọi rác, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Chiều 15/8, trong chương trình phiên họp chuyên đề về pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Bổ sung nhiều quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

 Trình bày tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2021.

Thông tin một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại. “Việc sửa đổi nêu trên nhằm tạo căn cứ xác định chính xác người tiêu dùng trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường, Dự thảo Luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Dự thảo Luật cũng đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng. 

Đáng chú ý, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, Dự thảo Luật bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Mặt khác, thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Nhà nước giao.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu hỗ trợ thương lượng; hoàn thiện quy định về phương thức hòa giải, trọng tài, về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công Thương, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tin nhắn rác làm phiền người tiêu dùng

Nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên UBTVQH là về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - đại diện cơ quan thẩm tra dự luật cho rằng, về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng. Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

 Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Quan tâm nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích, hiện nay, các bên bán hàng thường yêu cầu người tiêu dùng cung cấp thêm thông tin khi mua hàng. Sau đó, người tiêu dùng hay nhận rất nhiều tin nhắn rác, điện thoại rác trên cơ sở sử dụng thông tin khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. "Nhiều khi đang ngồi họp như thế này cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn mời chào mua bất động sản, hàng hóa... rất mất thời gian", ông nói.

Nhấn mạnh những tin cuộc gọi này nhiều khi gây phiền toái cho người tiêu dùng, ông đặt câu hỏi “vậy xử lý như thế nào để bảo vệ thông tin khi người tiêu dùng cung cấp thông tin?”. 

Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá dự luật đã đề cập việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng nhưng chưa đầy đủ, chưa đủ cơ sở pháp lý, nhất là trong bối cảnh thông tin người tiêu dùng bị thu thập nhiều như hiện nay. Ông đề nghị rà soát, bảo đảm nguyên tắc tổ chức cá nhân kinh doanh phải thông báo trước và được sự đồng ý của người tiêu dùng khi thông tin của họ được thu thập lưu trữ sử dụng thông qua bên thứ ba. Đồng thời phải giới hạn phạm vi sử dụng thông tin của người tiêu thông qua bên thứ ba là chỉ nhằm mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân chứ không được sử dụng mục đích nào khác.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực