Đẩy mạnh toàn diện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ sáu, 27/11/2020 15:29
(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: Sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) và những đóng góp quan trọng của kiều bào ta đối với đất nước đã chứng minh tính đúng đắn của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về NVNONN, trong đó có Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

Đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Lắng nghe ý kiến đóng góp của kiều bào về Chỉ thị 45/CT-TW và sự phát triển của đất nước

Kiều bào là một trong những nguồn lực quan trọng xây dựng và phát triển đất nước

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có gần 400 đại biểu là đại diện Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương; đại biểu các tỉnh, thành trong cả nước; đại diện hội thân nhân kiều bào, hội liên lạc; trưởng các cơ quan đại diện một số địa bàn có đông kiều bào; các cán bộ lãnh đạo lão thành trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).

  Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Chỉ thị 45 trong 5 năm qua

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá: “Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 về công tác đối với NVNONN được tổ chức vào thời điểm rất phù hợp, khi các cơ quan, địa phương vừa hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở và cả nước đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Do đó, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để chúng ta đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Chỉ thị 45 trong 5 năm qua và xác định phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển mới”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mà đất nước ta có được là nhờ sự đoàn kết của toàn dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ những người con đất Việt, trong đó có những thế hệ kiều bào mà hiện nay đã là cộng đồng 5,3 triệu người”.

Nhấn mạnh những đóng góp quan trọng, thiết thực của cộng đồng NVNONN cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: “Sự phát triển của cộng đồng NVNONN và những đóng góp quan trọng của kiều bào ta đối với đất nước đã chứng minh tính đúng đắn của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về NVNONN, trong đó có Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị”.

Trong những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục phức tạp và tác động nhiều mặt tới môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta. Đất nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021 – 2030) với yêu cầu cao hơn về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận sâu về: Quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng đối với công tác về NVNONN đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị 45 và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị; rà soát tổng thể và toàn diện các chính sách, biện pháp đối với công tác về NVNONN thời gian qua, tập trung vào 5 năm gần đây. “Trong quá trình hoàn thiện các cơ chế chính sách, cần quán triệt tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, của đồng bào ta ở nước ngoài. Do vậy, Hội nghị cần làm rõ vai trò của những yếu tố kết nối quan trọng, gắn kết đồng bào ta ở nước ngoài với quê hương như ngôn ngữ, bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, lòng tự hào và tự tôn dân tộc..., từ đó kiến nghị các biện pháp thiết thực và khả thi để sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tạo thuận lợi hơn cho kiều bào” – đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Thêm vào đó, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Hội nghị cũng cần tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh của kiều bào ta ở nước ngoài trong điều kiện mới, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các nguồn lực của NVNONN. Cần trao đổi sâu về việc tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan trong và ngoài nước để khắc phục những tồn tại, hạn chế; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ tin tưởng rằng, Hội nghị sẽ phát huy trí tuệ, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao để đưa ra được nhiều kiến nghị về chủ trương, chính sách lớn và cũng như những biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh một cách toàn diện công tác về NVNONN, qua đó góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao tặng  Kỷ niệm chương và bằng khen cho các đồng chí có thành tích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành ngoại giao Việt Nam.

Công tác đối với NVNONN đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi cho biết: Công tác đối với NVNONN luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 ngày 26/3/2004 và Chỉ thị số 45 ngày 19/5/2015, công tác đối với NVNONN đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả quan trọng.

Công tác dân vận và vận động cộng đồng NVNONN hướng về cội nguồn luôn được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương quan tâm. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng NVNONN cũng luôn được chú trọng. Các biện pháp thu hút nguồn lực tri thức và kinh tế của cộng đồng NVNONN đã được triển khai tích cực. Đáng chú ý, một số địa phương đã bước đầu thành lập cơ chế phản hồi đối với những ý kiến đóng góp của kiều bào.

Thêm vào đó, việc dạy và học tiếng Việt cũng đã có những chuyển biến tích cực, có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng NVNONN ở tất cả địa bàn. Công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được chú trọng, tổ chức thường xuyên nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng phục vụ cộng đồng NVNONN; tạo điều kiện cho hàng trăm nghệ sỹ kiều bào về nước tham gia sáng tác, giảng dạy...

Ngoài ra, nhiều cơ quan truyền thông đã coi trọng việc đưa tin đến với kiều bào, mở chuyên mục về NVNONN, nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới phương thức chuyển tải thông tin đến cộng đồng NVNONN. Các cơ quan trong nước đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hội đoàn NVNONN và lãnh đạo hội phát huy vai trò đầu mối, nhân tố quy tụ, đoàn kết cộng đồng.  Các cơ quan phụ trách trực tiếp việc tham mưu nội dung công tác đối với NVNONN như Bộ Ngoại giao, Ban Dân vận Trung ương… đã được củng cố, kiện toàn, phối hợp chặt chẽ với nhau thông qua các thỏa thuận, chương trình hợp tác.

Theo Thứ trưởng Đặng Minh Khôi, những kết quả quan trọng đó đã đem đến những đổi thay tích cực trong cộng đồng. Cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao.

Cùng với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cộng đồng NVNONN ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Kiều bào luôn đồng hành, hưởng ứng tích cực, tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống dịch bệnh. Nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối trí thức người Việt tại địa bàn đóng góp cho các vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai. Ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sỹ, vận động viên kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Nhiều doanh nghiệp của NVNONN đã liên kết, thúc đẩy thương mại, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước tới bạn bè thế giới.

Các hội đoàn NVNONN tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, thực sự là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Nhiều cơ sở tôn giáo của NVNONN được thành lập trong những năm qua và đã duy trì đều đặn các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng sôi nổi. Phong trào dạy và học tiếng Việt của NVNONN ngày càng phát triển mạnh với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với sự phát triển của đất nước, niềm tự hào dân tộc trong mỗi kiều bào ngày càng được củng cố và tăng cường.

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam" và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tặng 5 cá nhân vì có thành tích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành ngoại giao Việt Nam. 28 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vì đã có thành tích trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020.

Theo chương trình, chiều  ngày 27/11, tại Hội nghị diễn ra 3 phiên chuyên đề nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác đối với NVNONN; tập hợp ý kiến đóng góp của kiều bào, của các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện, tổ chức chính trị - xã hội; từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đối với NVNONN trong thời gian tới./.

Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay, cộng đồng NVNONN có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.

Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trong 5 năm từ 2015 - 2019, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD.

Năm 2020, kiều bào đã quyên góp số tiền mặt lên tới 35 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở trong nước; quyên góp, ủng hộ hơn 34 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hóa, vật phẩm qua các hội đoàn của người Việt ở nước ngoài nhằm hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ gần đây. 

  
Tin, ảnh: Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực