Các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với Ngoại giao Văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới” được tổ chức vào Ngày 29/10 tại tỉnh Nghệ An, với mục đích đánh giá ý nghĩa, tác động của các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước sở tại; khẳng định những ghi nhận của thế giới về các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong thời đại ngày nay; góp phần đánh giá tính hiệu quả của ngoại giao văn hóa trong việc giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam thông qua hình ảnh con người Việt Nam tiêu biểu, cụ thể là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội thảo là một trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc, 50 ngày mất và hướng tới 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần thực chất vào việc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu bao gồm: Lãnh đạo Bộ Ngoại giao; Lãnh đạo tỉnh Nghệ An; Lãnh đạo và cán bộ các bộ, ban, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngoại giao văn hóa; cán bộ quản lý tham gia Đề án; các Đại sứ/ Trưởng Cơ quan đại diện nước ngoài và Đoàn Ngoại giao …
Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với Ngoại giao Văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”
Hội thảo gồm 03 chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới và nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh thúc đẩy quan hệ Việt Nam và các nước; Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy di sản Hồ Chí Minh và hình ảnh đất nước. Sự tham gia chia sẻ của các đại biểu sẽ góp phần đánh giá đúng, thực chất và khách quan các nội dung đã đề ra; giúp tuyên truyền rộng rãi nét đẹp lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới bạn bè quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường khẳng định: Hội thảo là một hoạt động nhằm kỷ niệm 50 năm thực hiện bản di chúc, 50 năm ngày mất và hướng tới 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước thông qua ngoại giao văn hóa. Hội thảo càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại tỉnh Nghệ An quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu, người sáng lập ra nước Việt Nam hiện đại.
Bộ Ngoại giao luôn tự hào khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ trưởng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh chính là người khai sinh nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó có ngoại giao văn hóa – nhằm tạo động lực mới cho ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa - văn hoá của nhiều dân tộc phương Đông và phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại hội thảo,
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường bày tỏ, thông qua hội thảo, Ban tổ chức mong muốn nhận được những chia sẻ, đóng góp của tất cả các đại biểu về các chủ đề: Tình cảm nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới; Phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong việc tăng cường quan hệ Việt Nam với các nước; Đề xuất một số biện pháp trong việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy di sản Hồ Chí Minh và hình ảnh đất nước trong giai đoạn tiếp theo; Đồng thời lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm về việc tôn vinh các lãnh tụ hoặc danh nhân văn hóa của các nước ra bên ngoài.
Hội thảo đã được nghe 11 bài tham luận và nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu trong ba phiên thảo luận chính. Các phát biểu khẳng định giá trị to lớn của di sản Hồ Chí Minh đối với nền ngoại giao Việt Nam nói chung và đối với hoạt động ngoại giao văn hóa nói riêng đồng thời đưa ra nhiều gợi mở cho việc phát huy những di sản này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là việc tập trung hơn vào những giá trị nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tình thần yêu chuộng hòa bình, công lý, tình hữu nghị với các dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ...
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân thế giới và của nhân dân thế giới đối với Người sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật, văn học, âm nhạc và là cầu nối giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, là tài sản quý báu để Việt Nam thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các quốc gia trên thế giới. Hội thảo cũng là dịp để kết nối và củng cố quan hệ giữa những nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Bên lề Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế cũng đi dâng hương, dâng hoa, tham quan tại Khu di tích lịch sử Kim Liên - nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.