Đồng chí Trương Tấn Sang: Dân chủ và thực hành dân chủ XHCN là mục tiêu và là động lực phát triển đất nước

Thứ tư, 13/01/2010 21:29

Chiều 13/1, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra sau một ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, khẳng định: Đây là Chỉ thị rất quan trọng của Bộ Chính trị, hợp lòng dân, được các cấp, các ngành triển khai thực hiện khá nghiêm túc, có hiệu quả ở phần lớn các loại hình cơ sở, các lĩnh vực hoạt động xã hội. Việc ban hành và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị là bước tiến mới về mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Hội nghị đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu, nhiều cách làm hay trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện để tiếp tục đưa Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị vào cuộc sống.
 

 

 Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị 


Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Dân chủ là quy luật phát triển của xã hội; để xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu mở rộng dân chủ ngày càng cao. Nước ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN với những thời cơ lớn đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đang là đòi hỏi bức thiết của nhân dân.

Hơn 10 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tạo ra sự chuyển biến tích cực nhận thức về quan điểm, chủ trương của Đảng trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Quy chế dân chủ ở cơ sở được nhân dân đồng tình ủng hộ; được thực hiện trên diện rộng ở các loại hình cơ sở, trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở, củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Những chuyển biến đó đã khẳng định tính đúng đắn của việc ban hành Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đồng chí Trương Tấn Sang chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm. Đó là : Kết quả thực hiện chưa đều khắp ở các loại hình cơ sở, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và cơ sở dịch vụ ngoài công lập. Một số nơi triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, vi phạm quyền làm chủ nhân dân. Một số chính sách, chế độ trên một số lĩnh vực chưa phù hợp, lại thiếu công khai, minh bạch nhưng chậm được sửa đổi, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do: Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân còn hạn chế, chưa thấy hết vai trò quan trọng của cơ chế dân chủ trực tiếp của nhân dân tại cơ sở cùng với cơ chế dân chủ đại diện hợp thành chế độ dân chủ XHCN ở nước ta, đó là mục tiêu và là động lực phát triển đất nước; việc tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa nghiêm túc, thiếu tìm tòi, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới, đồng chí Trương Tấn Sang đã nêu một số vấn đề, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tại cơ sở, xem đây là khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở, nơi thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi thực hiện quyền dân chủ rộng rãi và trực tiếp nhất của nhân dân. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thường xuyên, liên tục, không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ XHCN để nền dân chủ XHCN là mục tiêu đồng thời là động lực bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới đất nước ta; phát huy dân chủ đi liền với nâng cao dân trí, phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thường xuyên gắn với quy chế hoạt động của cán bộ, công chức và các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước và Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhất là xây dựng và nêu gương tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên. Công tác tổng kết thực tiễn cần được coi trọng để ngày càng hoàn thiện về lý luận và không ngừng bổ sung cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm không ngừng mở rộng và nâng cao việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản để thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, các lĩnh vực mới chưa có quy chế; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi trong mọi hoạt động hợp pháp của nhân dân. Công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước các cấp cho dân, cho công nhân viên chức biết để kiểm tra, giám sát; hoàn thiện dần cơ chế để cán bộ công nhân viên chức, nhân dân tham gia ý kiến trong hoạch định, chủ trương, chính sách và kiểm tra, giám sát việc thực hiện; coi trọng hơn nữa các hình thức tự quản ở cơ sở; duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân định kỳ ở các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở; mở rộng dân chủ đi liền giữ nghiêm trật tự, kỷ cương, phép nước, nghiêm khắc xử lý việc lợi dụng dân chủ gây rối trật tự xã hội, nhằm làm cho xã hội đoàn kết, dân chủ, ổn định, phát triển.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trách nhiệm của nhân dân; phát huy thành quả đã đạt được, tích cực khắc phục những hạn chế, yếu kém vừa qua.

Bốn là, thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp, các ngành, đơn vị. Coi trọng việc bố trí những cán bộ có tâm huyết, có uy tín và năng lực tham gia Ban Chỉ đạo. Tạo điều kiện thuận lợi để Ban Chỉ đạo các cấp hoạt động có hiệu quả.

Năm là, các cơ quan chức năng ở Trung ương cần ban hành bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật một cách đồng bộ, chú ý đến các loại hình cơ sở trong tình trạng thực hiện yếu kém hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục đưa nội dung Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị vào cuộc sống mạnh mẽ hơn trong thời gian tới ở tất cả các loại hình cơ sở và trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực