Hà Nội: Các nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà mở cửa trở lại từ 0 giờ ngày 2/3

Thứ hai, 01/03/2021 18:21
(ĐCSVN) - Kể từ 0 giờ ngày 2/3, các nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà được phép mở cửa trở lại, kể cả đồ ăn, đồ uống với điều kiện bảo đảm giãn cách và khuyến khích bán mang về. Riêng vũ trường, quán bar, karaoke, game, internet, quán ăn bán ngoài vỉa hè, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè vẫn tiếp tục tạm dừng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu chỉ đạo cuộc họp 

Chiều 1/3, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hà Nội họp phiên thứ 95 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy Hà Nội, kể từ 0 giờ ngày 2/3, các nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà cho phép mở cửa trở lại, kể cả đồ ăn, đồ uống với điều kiện bảo đảm giãn cách 1m giữa người với người, hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, và khuyến khích bán mang về. Tất cả các cơ sở kinh doanh ăn uống phải sử dụng phần mềm khai báo QR CODE; thực hiện nghiêm chỉ đạo của TP về phòng chống dịch. Riêng vũ trường, quán bar, karaoke, game, internet, quán ăn bán ngoài vỉa hè, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè vẫn tiếp tục tạm dừng.

Liên quan đến các di tích, cơ sở tôn giáo, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Văn hoá Thể thao và các quận huyện, thị xã phải rà soát, sẵn sàng các phương án phòng dịch chuẩn bị sẵn sàng khi TP quyết định cho mở cửa trở lại vào thời điểm thích hợp. TP đang cân nhắc và trong một vài ngày tới sẽ giao quyền cho các quận huyện quyết định thời gian mở cửa trở lại.

Cụ thể, di tích Chùa Hương, Sở Văn hoá Thể thao và Sở Y tế phối hợp với huyện để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của TP và chờ quyết định mở cửa trở lại vào thời điểm thích hợp.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho rằng, thành phố vẫn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh nhưng trước tình hình thực tế dịch bệnh đang được kiểm soát tốt ở Thủ đô, UBND TP đã quyết định về việc học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tập. Theo đó, ngày 8/3, học viên, sinh viên thuộc các trường nghề của Hà Nội quay lại trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể yêu cầu các trường xây dựng kịch bản chi tiết đón học sinh quay trở lại, đảm bảo tốt nhất an toàn trường học. 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu học sinh, sinh viên khai báo y tế để nắm chắc số lượng học sinh, sinh viên về từ vùng dịch cũng như giám sát dịch tễ tại cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị, đến ngày 5/3 tất cả các đơn vị đến từng quận huyện phải triển khai việc quét mã QR Code phòng dịch. Mọi cơ quan phải tập trung hết sức cho công tác phòng chống dịch, không được phép chủ quan, phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, qua 14 ngày thành phố không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng

Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, qua 14 ngày thành phố không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, các chuyên gia, người lao động kỹ thuật tiếp tục được nhập cảnh và trong thời gian tới khi nới lỏng các biện pháp so với giai đoạn trước, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng mở cửa trở lại, sinh viên các tỉnh trở lại thành phố học tập nhiều hơn, trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh, thành phố có dịch. Vì vậy, Hà Nội vẫn có thể ghi nhận thêm các ca mắc COVID-19  mới.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương phòng, chống dịch của thành phố, đặc biệt yêu cầu người dân trở về từ vùng có dịch phải khai báo y tế đầy đủ, chính xác để được cách ly, lấy mẫu đúng quy định.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát dịch tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện và xử trí sớm các trường hợp mắc; các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm để phát hiện kịp thời ca bệnh; tổ chức xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa, phòng có yếu tố nguy cơ.../.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực