Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu sẽ diễn ra tại tỉnh Cao Bằng

Thứ sáu, 23/08/2024 08:17
(ĐCSVN) - Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Cao Bằng từ ngày 5-17/9, với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”. Hội nghị dự kiến có khoảng 800 - 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) 

Chiều 22/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8).

Tham dự họp báo có Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Cao Bằng từ ngày 5-17/9, với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”. Hội nghị dự kiến có khoảng 800 - 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung. Đối với tỉnh Cao Bằng, hội nghị là cơ hội để tỉnh học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát huy giá trị mô hình Công viên địa chất (CVĐC) với các nước trên thế giới; xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch, tiềm năng du lịch miền đất và con người Cao Bằng tới đại biểu trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng; cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, các chương trình hành động của tỉnh, mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá cho ngành du lịch của địa phương, từng bước vững chắc hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng chí mong Bộ Ngoại giao thời gian tới tiếp tục định hướng, chỉ đạo, phối hợp chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức thành công hội nghị. Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, phóng viên, nhà báo trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ, tập trung hỗ trợ tuyên truyền, đưa thông tin về các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại tỉnh Cao Bằng.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thông tin, Hội nghị quốc tế Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại một quốc gia tiêu biểu trong khu vực với mục tiêu chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng, phát triển danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu.

Năm 2022, tại Thái Lan, trước những đóng góp tích cực trong Mạng lưới, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam đã vinh dự được trao quyền đăng cai Hội nghị APGN-8. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Cao Bằng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác chuẩn bị cho Hội nghị. Đặc biệt, Hội nghị càng thêm ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, Hội nghị là sự kiện quan trọng để các thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu, quản lý, các học giả từ các nước thành viên có cơ hội được gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện công tác xây dựng, vận hành và phát huy vai trò Công viên địa chất toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị APGN-8 không chỉ là sự kiện của riêng tỉnh Cao Bằng mà còn là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, qua đó góp phần định vị tỉnh miền núi Đông Bắc nói riêng, các địa phương của Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản thế giới. Đây vừa là cơ hội để tăng cường kết nối hợp tác quốc tế, vừa là dịp quảng bá, đưa các địa phương Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến gần hơn với Việt Nam.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Hội nghị sẽ truyền động lực mạnh mẽ, khích lệ các địa phương của Việt Nam nói riêng và các nước nói chung tham gia vào Mạng lưới để vừa bảo vệ ngôi nhà - Trái đất chung, vừa phát huy, tạo sinh kế cho người dân, góp phần làm đậm nét hơn thông điệp: Việt Nam là một đất nước văn minh, an toàn, tươi đẹp; văn hóa độc đáo, giàu truyền thống; phát triển năng động; con người thân thiện, mến khách; điểm đến đáng tin cậy để sinh sống, học tập, du lịch, đầu tư. Đây cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò thành viên tích cực, trách nhiệm và đóng góp thực chất vào các vấn đề chung của Tổ chức UNESCO.

Trên quan điểm của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 là “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp là trung tâm” và tinh thần mà Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn luôn nhấn mạnh đối với cán bộ ngoại giao là “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã luôn tích cực đồng hành và hỗ trợ tỉnh Cao Bằng nói riêng và các địa phương Việt Nam nói chung trên chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị của các danh hiệu được UNESCO công nhận./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực