Khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ năm, 14/01/2016 17:01
(ĐCSVN) – Sáng 14/1, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là phiên họp có nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là cho ý kiến về dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; phương hướng nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách.


Sáng 14/1, khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: VA)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, đây là cuộc bầu cử toàn dân với quy mô và khối lượng công việc rất lớn, nên những việc Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia bàn phải đến được với dân và công việc phải được bàn rất thấu đáo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần hoàn thành công việc của mình để triển khai hiệp thương, hành động từ trên xuống dưới. Các tổ chức đoàn thể Trung ương cũng cần tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phải bảo đảm nội dung rất khó khăn là ít nhất 35% phụ nữ tham gia ứng cử và ít nhất 30% phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội. Để đạt được tỷ lệ ấy, công tác giới thiệu, chọn người ra ứng cử là rất khó, cần được bảo đảm tốt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tóm lược 5 điểm cần thực hiện cho tốt, để chuẩn bị cho từng nội dung công việc nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra thành công: Ai làm, làm khi nào, làm như thế nào, khi nào làm xong, đến dân như thế nào.

Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí đổi tên Luật thành Luật Điều ước quốc tế. Một số ý kiến đề nghị, giữ nguyên Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Đề cập phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước nêu ý kiến, dự án Luật nên mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh là cả những điều ước quốc tế mà Việt Nam tuy bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống, nhưng vẫn buộc phải thực hiện. Cùng với đó, cơ chế chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia như thế nào cũng cần được làm rõ hơn trong dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật phải phù hợp với Hiến pháp. Cần phải làm rõ 2 vấn đề trong luật là “gia nhập” và “chấm dứt”, trong đó phần “chấm dứt” các điều ước quốc tế còn chưa rõ, đề cập rất khái quát, chưa rõ, cần phải cụ thể hơn, tại sao chấm dứt, lý do chấm dứt, quy trình chấm dứt, thủ tục chấm dứt như thế nào?

Ngoài ra, cần làm rõ hơn các cơ quan tham gia hợp tác hoặc cùng hợp tác vào thực hiện điều ước quốc tế, vì có nhiều điều luật quốc tế ngoài phần đối ngoại ra thì nội dung của nó rất phức tạp. Như việc chuẩn bị tham gia vào TPP, ngoài phần đối ngoại, thì còn nhiều vấn đề khác cần có sự thẩm định của các cơ quan khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu ví dụ cụ thể để khẳng định tầm quan trọng của việc phân định rõ ràng thẩm quyền của các cơ quan trong việc ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế. Đó là việc Việt Nam gia nhập Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á. Chủ nhiệm  Nguyễn Văn Giàu cho hay, đọc dự thảo văn kiện thành lập tổ chức tài chính này, có những điều khoản rất ngặt nghèo, nếu không cẩn thận thì chỉ cần vài nước liên minh với nhau để có số đại diện tối thiểu quyết định các vấn đề để buộc các nước khác phải theo. Do vậy, những việc gia nhập này cần được quy định rõ thẩm quyền quyết định để bảo đảm chặt chẽ.

Cũng liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, trường hợp ký kết, gia nhập điều ước quốc tế mà trái ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ sở để cơ quan ký kết quyết định. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý ký kết hoặc gia nhập thì không có vấn đề gì, nhưng nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý thì thẩm quyền quyết định lại thuộc về cơ quan ký, vấn đề này cần được xem lại. Hay việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, người thì nói là quan trọng nên phải trình Quốc hội phê chuẩn, người thì nói không quan trọng nên không cần trình Quốc hội phê chuẩn. Điều này cũng cần quy định rõ ràng, tránh dẫn tới cách hiểu không thống nhất về tầm quan trọng của các điều ước quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị, phải quy định rõ hơn thẩm quyền quyết định và trình tự tiến hành việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực