Đề xuất bổ sung Thường trực Ban Bí thư và hai chức danh khác là đối tượng cảnh vệ

Thứ hai, 20/05/2024 20:01
(ĐCSVN) - Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 20/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

 Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: QH)

Trình bày Tờ trình về dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua 05 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Theo đó, về nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Đối với nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật triển khai thực hiện công tác của lực lượng Cảnh vệ. Công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực cho công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế; do đó tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng phù hợp trong phạm vi, thời gian nhất định.

Về chế độ, biện pháp cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ rõ, một số chế độ, biện pháp cảnh vệ hiện nay lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện nhưng chưa được quy định trong Luật để đảm bảo áp dụng thống nhất. Ngoài ra, lực lượng cảnh vệ là lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt; do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm tuyệt đối an toàn các đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ phải thường xuyên huấn luyện nâng cao, huấn luyện chuyên sâu, đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện công tác cảnh vệ; đồng thời tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ công tác cảnh vệ. Do vậy, cần thiết bổ sung các nhiệm vụ vào dự thảo Luật.

Dự thảo Luật gồm 02 Điều. Trong đó, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; cụ thể đề xuất sửa đổi, bổ sung 15/33 điều. Điều 2 quy định về Hiệu lực thi hành.

Thẩm tra nội dung dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. 

Về bổ sung các quy định liên quan đến biện pháp cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, việc bổ sung quy định các biện pháp cảnh vệ là cần thiết, góp phần hoàn thiện Luật Cảnh vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thiết kế một điều riêng trong Chương II quy định về các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm rõ ràng, dễ theo dõi, dễ thực hiện; sau đó quy định biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ.

Liên quan tới đối tượng cảnh vệ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị. Về sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ, Ủy ban nhất trí với việc thu hẹp đối tượng cảnh vệ như dự thảo Luật. Việc thu hẹp diện hội nghị, lễ hội là điều kiện để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thống nhất với quy định của Hiến pháp, phù hợp điều kiện an ninh, trật tự ở nước ta.

Về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đề nghị các quy định về thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về cảnh vệ, pháp luật về quản lý tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Đối với quy định về Giấy bảo vệ đặc biệt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Giấy bảo vệ đặc biệt đã được quy định tại Luật Cảnh vệ và giao Bộ Công an quy định về mẫu, quản lý, sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt cho lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng. Do đó, việc dự thảo Luật bổ sung một điều quy định về nội dung này trên cơ sở đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua là cần thiết nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm tính minh bạch, khả thi của quy định./.

MD

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực