Luật Thủ đô phải tạo cơ sở pháp lý giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn để phát triển

Thứ ba, 25/07/2023 21:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các quy định trong Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô về tất cả các mặt kinh tế - xã hội. Luật Thủ đô phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, bế tắc, giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay.
Quang cảnh buổi làm việc. 

Chiều 25/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì.

Tham dự buổi làm việc vó các Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội.

Kiến nghị giữ nguyên mô hình chính quyền các cấp như nhiệm kỳ 2021-2026

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, đưa kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Đưa thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, đột phá (Nguồn: vtvgo.vn) 

Tăng trưởng bình quân năm 2021, 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021-2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 5,86%, cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 đạt hơn 656.000 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Tổng chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022 khoảng 178.500 tỷ đồng, đạt 82,8% dự toán.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội, thành phố đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường. Thành phố đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người (giảm 252 người).

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội, Hà Nội đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường. Đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người (giảm 252 người).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc. 

Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với UBND phường được đảm bảo, tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu các tổ chức đảng được đẩy mạnh, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm.

Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với UBND phường được bảo đảm, tăng cường. Từ kết quả thí điểm, thành phố kiến nghị Quốc hội quy định mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời, bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội...

Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Cụ thể, về cơ chế, chính sách cho phép HĐND TP quyết định áp dụng một số khoản thu phí. Đến nay, UBND TP đã đề xuất 4 nội dung về phí; HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023)...

Nghị quyết đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua, như: Tạo khuôn khổ pháp lý riêng về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô; giúp thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có; góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”..

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để Thủ đô phát triển

Về dự án xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP chủ động triển khai việc tổng hợp thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và phối hợp với Bộ Tư pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng Ban. Kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nội dung đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở quan trọng để Thành ủy đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ năm 2022 đến nay, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Bộ Tư pháp báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Luật; đã ban hành Quyết định số 770/QĐ-BTP ngày 22-5-2023 về Kế hoạch soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngày 9-6-2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải dự thảo Luật để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Các đồng chí chủ trì Hội nghị 

Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Với mục tiêu đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật; Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.

Cùng với đó là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị quyết số 115/2020/QH14, Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội; rà soát, tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật.  Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để lựa chọn những vấn đề đặc thù, chưa được quy định để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô.

Thảo luận tại cuộc làm việc, các ý kiến nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), việc xây dựng Luật không chỉ là trách nhiệm của TP Hà Nội, Bộ Tư pháp mà là trách nhiệm chung của cả nước, trong đó có các ủy ban của Quốc hội. Lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội cũng khẳng định, quy định các cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội là rất cần thiết, song phân cấp, ủy quyền mạnh phải gắn với cơ chế tạo điều kiện Hà Nội thực hiện và cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực tương ứng. Các ý kiến cho rằng, để quá trình xây dựng Luật theo lộ trình thuận lợi, Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để ngay từ đầu hồ sơ, tài liệu cũng như thời hạn trình các cơ quan của Quốc hội phải rất chuẩn chỉnh. Đồng thời, phải làm thật tốt công tác truyền thông để tạo đồng thuận...Bên cạnh đó, trao quyền cũng phải gắn với trách nhiệm và kiểm soát việc thực hiện.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: 3 nội dung lớn là việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại TP Hà Nội; tình hình triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là những hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để Hà Nội có thể bứt phá, góp phần đạt được mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song được sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn Đảng bộ TP đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược, căn cơ lâu dài cho sự phát triển của Thủ đô. Đồng thời, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, toàn diện trên các lĩnh vực. Thời gian tới, Hà Nội tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực mới cho sự phát triển của Thủ đô...

Không cứng nhắc trong thực hiện cơ chế, chính sách

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cách làm của Hà Nội rất bài bản, từ xây dựng chương trình hành động, các nghị quyết chuyên đề, các đề án, chương trình, kế hoạch, sơ kết, tổng hết, nhân rộng mô hình... Trong quá trình xây dựng chỉ đạo thực hiện nghị quyết, Hà Nội đã chung sức sơ kết các nghị quyết của Trung ương.

Ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của Thủ đô về tốc độ tăng trưởng kinh tế, các cân đối lớn được đảm bảo, thu ngân sách vượt dự toán hàng năm, chi ngân sách điều hành chủ động, linh hoạt... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục đánh giá, rà soát sâu hơn theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ với để Hà Nội phát triển nhanh hơn, bù vào thời kỳ dịch bệnh. Trong đó, cần rà soát khả năng hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ. Rà soát, đánh giá thêm chất lượng tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của thành phố; Tiếp tục rà soát chỉ số PCI, PAPI, PARINDEX..., làm rõ nguyên nhân đạt thấp.  

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. 

Đối với những đề xuất của thành phố, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những đề xuất có cơ sở, xuất phát từ thực tiễn, các bộ, ngành sẽ có rà soát, tổng kết, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới. Với những nội dung thuộc nghị định, thông tư thì Chính phủ và các bộ. Những nội dung thuộc trách nhiệm của Quốc hội sẽ sửa đổi hoặc ban hành nghị quyết giải quyết những vấn đề cấp bách, đột xuất theo thực tiễn.

Về Dự án Luật Thủ đô, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là cơ hội lớn để tạo lợi thế cho Hà Nội phát triển lên vị thế mới của đất nước, khu vực. Sửa đổi Luật Thủ đô cần bám sát chủ trương, chính sách, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị trên cơ sở gắn với thực tiễn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để căn cứ đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, việc quy định cơ chế chính sách đặc thù với Thủ đô là rất cần thiết. Các cơ chế chính sách đặc thù của Thủ đô khác với luật hiện hành về từng lĩnh vực, đồng thời phải phù hợp với quy định của Hiến pháp, chủ trương của Đảng. Xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật chuyên ngành của Quốc hội sẽ ban hành sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực. Đồng thời Luật phải đảm bảo kế thừa những quy định còn có giá trị của Luật hiện hành.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các quy định trong Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô về tất cả các mặt kinh tế - xã hội. Luật Thủ đô phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, bế tắc, giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay. Trước hết là cơ chế, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng như xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, giải quyết các vụ án tồn đọng... Có những nội dung có cơ sở chính trị rõ nhưng pháp lý không đủ thì không làm được. Vì vậy phải luật hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Thành ủy Hà Nội.

Cùng với đó, nội dung, phạm vi điều chỉnh của Luật Thủ đô sửa đổi lần này sẽ khớp so với hiện hành. Quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô, tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các cơ chế đặc thù phát triển Thủ đô như tài chính ngân sách, cơ chế chính sách liên kết phát triển vùng Thủ đô... để đưa Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững, kinh tế-xã hội xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm. Đồng thời không quá cứng nhắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách này.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, có 3 nội dung quan trọng phải sớm trình Quốc hội là Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch Thủ đô. Với tinh thần tích cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai tốt nhất, nhanh nhất các quy định liên quan đến Thủ đô.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quá trình xây dựng Luật Thủ đô, đề nghị tiếp tục tham khảo ý kiến của các trí thức, các tầng lớp Nhân dân, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Cùng với đó tổ chức toạ đàm, hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật. Các Ủy ban của Quốc hội theo chức năng của mình có trách nhiệm thẩm tra kỹ lưỡng dự thảo Luật. Thành phố cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông tới mọi người dân Thủ đô và cả nước để đóng góp ý kiến xây dựng Luật với tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".../.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực