Nêu gương, trách nhiệm của những người đứng đầu

Thứ năm, 24/03/2022 16:50
(ĐCSVN) - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc lớn, việc quan trọng, vì vậy, phải lan tỏa trong toàn cơ quan, đơn vị, trong các cấp để thực hiện một cách đồng bộ. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc nêu gương, trách nhiệm của những người đứng đầu…

 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH)TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc.

Ngày 24/3, Đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã mở đầu đợt giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quận Cầu Giấy là đơn vị đầu tiên được Đoàn chọn làm việc.

Tham dự Đoàn giám sát có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; các ĐBQH; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các sở, ban, ngành của TP.

Tiết kiệm 27 tỷ đồng qua đấu thầu, lựa chọn nhà thầu

Thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND quận Cầu Giấy quan tâm chỉ đạo thực hiện với hệ thống văn bản triển khai đồng bộ. Trong giai đoạn 2016-2021, Quận đã triển khai thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai và quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động.

Công tác sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập được UBND quận Cầu Giấy kiện toàn, sắp xếp từ 12 đơn vị sự nghiệp công lập xuống còn 5 đơn vị. Quận cũng đã chủ động nghiên cứu và xây dựng đề án sử dụng tài sản công của 6 đơn vị sự nghiệp công lập chưa sử dụng hết công suất vào mục đích cho thuê theo quy định tại Điều 57 Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Tổng kinh phí tiết kiệm được giai đoạn 2016-2021 đạt 728.787 triệu đồng, cụ thể trên các lĩnh vực: Đầu tư công, chương trình mục tiêu, giáo dục đào tạo, y tế, kinh phí hội nghị - công tác vật tư văn phòng, mua sắm tài sản, tinh giản biên chế, dịch vụ công ích.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (vốn ngân sách) quận tiết kiệm được 27 tỷ đồng thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; tiết kiệm 1,7 tỷ đồng qua kiểm tra giám sát và đánh giá đấu thầu theo quy định; cắt giảm được 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức đoàn đi nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng…

Tuy nhiên, lãnh đạo quận cũng thừa nhận trên địa bàn còn một số tồn tại, như: Việc triển khai xây dựng kế hoạch mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí của một số đơn vị chưa cụ thể theo nhiệm vụ chuyên môn; việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao trong chi mua sắm và sử dụng tài sản nhà nước; chế độ chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức viên chức dù đã được cải thiện song còn rất thấp…

Xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có vi phạm

Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát đề nghị quận làm rõ về các nội dung: Việc ban hành chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, công tác kiểm tra của từng nội bộ và công tác kiểm tra của cấp trên, qua kiểm tra có phát hiện được vi phạm hay không và xử lý như thế nào? Việc sử dụng hiệu quả các bằng cấp, chứng chỉ trong quản lý cán bộ công chức viên chức, thực hiện chính quyền đô thị đảm bảo hiệu quả công việc của chính quyền cấp dưới trong điều kiện thực hành tiết kiệm…

Buổi làm việc nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. 

Ngoài ra, đại biểu cũng quan tâm, đề nghị quận thông tin về tiết kiệm trong quá trình triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị; việc đánh giá, chống thất thu thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thuế và sử dụng hóa đơn điện tử, nợ đọng thuế phí, tiền sử dụng tiền thuê đất của quận.

Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc thực hiện quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Hà Nội được thực hiện rất trách nhiệm. Trong các nhiệm kỳ đại hội, Thành ủy Hà Nội đều có chương trình riêng về công tác này, UBND TP cũng triển khai công việc cụ thể liên quan đến tất cả các lĩnh vực và HĐND TP thực hiện nhiều cuộc giám sát về các dự án chậm triển khai…

Đồng tình với những hạn chế, tồn tại của quận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị quận Cầu Giấy rà soát, có các giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy, đến giám sát, chất vấn của HĐND quận. Từ đó, làm sâu sắc thêm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả hệ thống từ quận tới cơ sở.

Nhấn mạnh đây là việc lớn, việc quan trọng, vì vậy, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu quận Cầu Giấy trong quá trình thực hiện phải có cách làm khoa học, sáng tạo, hiệu quả; phải lan tỏa trong toàn cơ quan, đơn vị, trong các cấp để thực hiện một cách đồng bộ. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc nêu gương, trách nhiệm của những người đứng đầu …

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị quận quan điểm là phải xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có vi phạm, đồng thời, chỉ rõ những nơi làm tốt, chưa tốt để có khen thưởng, phê bình kịp thời. Vì muốn đánh giá được phải có chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch, có chuyên đề thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để có những mô hình hiệu quả, lan tỏa rộng rãi; đồng thời, nghiên cứu xây dựng tiêu chí, bộ công cụ để đánh giá hiệu quả công tác này.../.

Trọng Toàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực