TP Hồ Chí Minh thí điểm “thẻ xanh COVID” cho những nhóm đơn vị cụ thể

Thứ tư, 15/09/2021 22:19
(ĐCSVN) – TP Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn địa bàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 00 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9 với phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên từng địa bàn cụ thể.
 TP.HCM sẽ tiếp tục thêm 2 tuần tăng cường giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 (ảnh: Ngọc Dương)

Tối 15/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đã chủ trì họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong đó đã thông tin liên quan văn bản 3072 về các giải pháp tiếp tục thực hiện trên địa bàn Thành phố từ ngày 16/9 đến 30/9.

Đồng chủ trì buổi họp báo còn có đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Hồ Chí Minh.

Thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9

Đồng chí Lê Hòa Bình cho biết, chiều ngày 15/9, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố từ ngày 16/9 đến ngày 30/9.

 Theo đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn địa bàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 2715 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 11 của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh từ 00 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9 với phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên từng địa bàn cụ thể.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hòa Bình thông tin, Thành phố tiếp tục thực hiện việc cấp Giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông theo Công văn số 2800, Công văn số 2850, Công văn số 2994 của UBND Thành phố; các Giấy đi đường do Công an TP Hồ Chí Minh đã cấp tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/9.

Đối với về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 2798 và Công văn số 2994 của UBND Thành phố.

Riêng đối với các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn các quận, huyện này và Khu Công nghệ cao được đi chợ 1 lần/1 tuần theo Kế hoạch được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận. Bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo Kế hoạch của UBND các địa phương, tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do UBND TP Hồ chí Minh ban hành.

Thí điểm triển khai việc thực hiện “Thẻ Xanh COVID” gắn với mã QR cá nhân. Việc thí điểm vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ.

Các shipper được hoạt động liên quận, huyện từ 6 giờ tới 21 giờ hàng ngày

Các shipper  phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/1 lần (Ảnh: Ngọc Dương)

Đối với các shipper, Thành phố cho phép hoạt động liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/1 lần. Chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết ngày 30/9 sẽ do ngân sách Thành phố chi trả.

Trong văn bản mới lần này cũng xem xét cụ thể từng lĩnh vực hoạt động. Trong đó, cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày, gồm: dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ bán hàng thông qua đặt hàng trực tuyến; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm.

Đồng chí Lê Hòa Bình cho biết, đợt này, Thành phố cho phép nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phép hoạt động nhưng chỉ trên địa bàn 1 quận, huyện, TP Thủ Đức. Đồng thời, những nhân viên này phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/1 lần; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Các công trình xây dựng, giao thông được phép tổ chức thi công công trình trên cơ sở tuân thủ theo Bộ tiêu chí an toàn được UBND TP Hồ Chí Minh ban hành; giao các sở, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức tùy theo tình hình an toàn phòng, chống dịch tại địa bàn, đề xuất danh mục các công trình cụ thể; giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, quyết định.

Làm rõ hơn, đồng chí Lê Hòa Bình cho biết trước đây, Thành phố chỉ cho một số công trình trọng điểm thi công. Đến nay, qua đánh giá tình hình kiểm soát ổn hơn, TP Hồ Chí Minh cho phép mở rộng các công trình được thi công.

Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ thí điểm mở cửa theo lộ trình

Đối với các sinh hoạt thể dục thể thao tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc các “vùng xanh”, giao cho Chủ tịch UBND quận huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn xem xét quyết định, cho phép hoạt động trở lại nếu đảm bảo các qui định an toàn phòng, chống dịch và phải tuân thủ nguyên tắc 5K.

UBND TP Hồ Chí Minh giao UBND quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ thí điểm mở cửa theo lộ trình, khẩn trương lập phương án, kế hoạch triển khai thí điểm, tổ chức đánh giá, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận.

Đối với các địa bàn còn lại, giao Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tùy theo tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn, xem xét, đề xuất thí điểm mở cửa lại một số hoạt động khi đạt các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Giải thích về việc triển khai thẻ xanh COVID-19, đồng chí Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết UBND Thành phố chọn thí điểm thẻ xanh COVID-19 tại các đơn vị: quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố. Đồng chí lưu ý, không phải triển khai thí điểm thẻ xanh trên toàn bộ địa phương hoặc đơn vị đó mà chỉ triển khai theo lộ trình, trên những nhóm đơn vị cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo đơn vị.

Các địa phương, đơn vị còn lại không được thí điểm thì vẫn thực hiện các biện pháp như hiện nay theo các văn bản của UBND Thành phố.

Mong báo chí và người dân luôn đồng hành cùng chính quyền Thành phố

Chia sẻ tại buổi họp báo, đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, vào thời điểm này, TP Hồ Chí Minh có những kết quả khả quan, đã đi đúng hướng và trước mắt là những triển vọng vọng mới. Song, Thành phố cũng còn có những thách thức, phức tạp không có phép chủ quan. Nếu như có bất cứ sự chủ quan nào, điều đó sẽ khiến cho Thành phố sẽ có những thiệt hại lớn, người dân cũng có những tổn hại lớn.

Theo đồng chí Lê Hải Bình, những ngày qua, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã rất trăn trở, suy nghĩ, cân đong đo đếm như thế nào để đưa ra những quyết định, biện pháp phù hợp nhất, phục vụ tốt nhất cho người dân. Đó là biện pháp được cân nhắc kỹ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như: các dữ liệu về khoa học, dữ liệu kinh tế, dịch tễ, căn cứ trên nguồn lực, trên nhu cầu của người dân.

Đồng chí Lê Hải Bình cho rằng, nếu như lúc trước, Thành phố chỉ tập trung phòng chống dịch bệnh thì đỡ thách thức hơn. Nhưng nay, vừa phòng chống dịch bệnh sao cho nghiêm ngặt nhất, không để số ca nhiễm, số ca tử vong tăng lên đồng thời, lại nới lỏng, mở ra ở một số nơi để người dân có cuộc sống tốt hơn, thì lúc này mới là lúc rất khó khăn.

Đồng chí cũng phân tích từ thự tế khi Thành phố có nhiều khu vực vùng xanh, đỏ, cam khác nhau, lại đan xen nhau nên sẽ gặp nhiều vấn đề khi triển khai khi áp dụng các biện pháp nới lỏng.

Nhấn mạnh trong quá trình triển khai thời gian gấp, chắc chắn các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng sẽ chịu rất nhiều áp lực, một vài lúng túng có khả năng xảy ra, thậm chí có thể sẽ có sai sót, đồng chí Lê Hải Bình mong các cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng các cơ quan chức năng, kịp thời phát hiện, phản ánh những thiếu sót để các cơ quan chức năng chỉnh sửa, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng tuyên truyền để người dân luôn sẵn sàng tâm thế việc xiết chặt hay nới lỏng giãn cách xã hội là phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thực tế, để bà con luôn đồng hành, chung tay với chính quyền Thành phố trong việc phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

 

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực