Thông báo tổng kết cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh- Liệt sĩ và Người có công, ông Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Thương binh - Liệt sỹ và Người có công luôn là đề tài rất lớn và quan trọng trong sáng tác văn học. Đặc biệt, hầu hết tác giả, tác phẩm được vinh danh tại các giải thưởng cao quý, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh đều ít nhiều đề cập tới mảng đề tài này. Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 1000 tác phẩm với đủ thể loại, bao gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, ký sự, thơ, trường ca…về tham dự cuộc thi. Sau quá trình làm việc hết mình, khách quan, công tâm, Ban tổ chức đã chọn ra 38 giải thưởng chính thức ở hai hạng mục gồm Văn xuôi (20 tác phẩm) và Thơ (18 tác phẩm) để trao giải. Có thể nói, các tác phẩm được giải là một bức tranh thu nhỏ của cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Ở đó, nhiều tác giả không chỉ viết lại mà còn trực tiếp tham gia cầm súng và chiến đấu bất khuất như những anh hùng.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (trái)
trao giải Nhất cho các tác giả (Ảnh:KS)
Về mặt nghệ thuật, mỗi tác phẩm là một cách tiếp cận hiện thực với giọng điệu và phong cách khác nhau. Có tác phẩm là những áng văn được trau chuốt kỹ lưỡng đến từng con chữ, lại có những tác phẩm để mộc như một dạng nhật ký, hay những ghi chép đầy xúc động. Cuộc vận động sáng tác đã đóng góp thêm cho nền văn học cách mạng và kháng chiến những tác phẩm sinh động giàu tính sử thi, trong đó không ít tác phẩm là những tư liệu cực kỳ quý hiếm của kho tàng văn học dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chúc mừng và đánh giá cao những đóng góp của các tác giả, tác phẩm cho cuộc vận động sáng tác. Diễn ra từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2017, cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng từ các nhà văn, nhà thơ, các cây bút chuyên nghiệp khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có nhiều tác phẩm mới sáng tác chưa từng công bố. Các tác phẩm văn học được xét chọn trải dài suốt 70 năm (từ năm 1947 đến năm 2017) đã tạo dấu ấn lớn trong lòng bạn đọc, qua đó hun đúc ý chí, quyết tâm, lý tưởng cách mạng của nhiều thế hệ thanh niên lên đường nhập ngũ và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Trương Thị Mai trao giải Tôn vinh cho các tác giả (Ảnh:KS)
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc tới gia đình các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Bộ trưởng mong muốn các tác phẩm văn học nghệ thuật tham gia cuộc vận động dù được giải hay không cũng sẽ tiếp tục đi vào lòng bạn đọc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh, dựng xây đất nước.
Tại buổi lễ, thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Trương Thị Mai cũng đã trao 3 giải Tôn vinh cho các tác giả: Lê Văn Ba với tác phẩm "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược"; Đặng Vương Hưng (biên soạn) tác phẩm "Mãi mãi tuổi 20"; Minh Chuyên với tác phẩm "Người không cô đơn"./.